Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập nội dung này khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, chiều 14/5.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách phát luật đang cản trở tiến trình phát triển của TP Đà Nẵng.
Theo đó, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì các cơ quan này phải có trách nhiệm tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)
"Cơ chế, chính sách đặc thù phải góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đà Nẵng. Với nguồn lực là thành phố trung tâm miền Trung, có du lịch phát triển, được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói thì Đà Nẵng phải trở thành chỗ tiêu tiền, thiên đường ăn uống, thiên đường vui chơi giải trí, thiên đường mua sắm", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở.
Nhận định Đà Nẵng đã và đang coi phát triển dịch vụ là trọng tâm, ông Trần Thanh Mẫn kiến nghị thành phố tiếp tục phát triển theo định hướng này để góp phần tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cơ chế, chính sách đặc thù khi ban hành không được hướng đến việc hợp thức hóa những sai phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
"Có đầu tư phải có phát triển, làm có thể gặp sai phạm, nhưng qua những cái sai phải rút kinh nghiệm", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo nghị định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cần có 5 đặc tính, bao gồm: tính trọng tâm, trọng điểm; tính đặc thù riêng; tính đột phá; tính hợp lý, khả thi; tính lan tỏa, tác động sâu rộng.
Trước đó, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể, trong đó có 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác.
Đáng chú ý là có 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, bao gồm thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh:quochoi.vn)
Ông Nguyễn Chí Dũng thông tin, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới để thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI, nhiều nước đã thành công với mô hình này như Trung Quốc, EU, Singapore, Hàn Quốc...
"Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo đề xuất, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng quyết định thành lập. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND thành phố. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan.