Theo phán quyết chung của Hội đồng Thẩm phán gồm 9 thành viên, nhiệm kỳ Thủ tướng của Tướng Prayuth chính thức bắt đầu khi Hiến pháp hiện hành có hiệu lực kể từ tháng 4/2017. Theo đó, Tướng Prayuth sẽ quay trở lại nắm quyền thủ tướng ít nhất đến hết nhiệm kỳ này (tháng 3/2023). Trong trường hợp tiếp tục được đề cử, ông Prayuth có thể đảm nhiệm cương vị thủ tướng thêm 2 năm của nhiệm kỳ sau.
Người dân theo dõi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra phán quyết về nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha qua màn hình lớn ở Bangkok, Thái Lan, hôm 30/9/2022. (Ảnh: Reuters)
Phán quyết của tòa án được cho sẽ dẫn đến những phản đối từ phe đối lập, vốn luôn tìm cách thách thức vai trò cầm quyền của Tướng Prayuth. Từ 14h hôm nay (30/9), Mặt trận Thống nhất vì Thammasat và Biểu tình (UFTD) và nhiều hội, nhóm chống chính phủ khác đã kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok để gây sức ép lên tòa án, kêu gọi Tướng Prayuth từ chức. Các hoạt động biểu tình có thể được duy trì trong thời gian tới nhằm phản đối chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, về cơ bản dư luận người dân Thái Lan đồng tình ủng hộ phán quyết, trong bối cảnh nước này cần sự ổn định chính trị để tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hậu COVID-19. Bên cạnh đó, Thái Lan đang dành ưu tiên cao để chuẩn bị và đặt kỳ vọng vào việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 sẽ diễn ra từ 14 đến 19/11 tới, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Thái Lan trong khu vực và trên trường quốc tế.