Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Việc kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần trong 6 tháng qua, tạo nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Tuy vậy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2023 là nhiệm vụ hết sức nặng nề, các chuyên gia cho rằng cần tập trung tháo gỡ các nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng, du lịch…

Giải vây lạm phát

Từ ngày 1/7, khi lương cơ sở được điều chỉnh đã có không ít người mừng, người lo, vì tăng lương thường đi kèm lạm phát, chưa kể giá cả “té nước theo mưa”. Bởi, trước đó, trong tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân cũng đã tăng thêm 3%, gây áp lực đáng kể đến lạm phát… Tuy nhiên, sau hơn một tuần mức lương cơ sở được điều chỉnh, mối lo ngại về tăng lương - tăng giá đã không xảy ra.

Một khi lạm phát gia tăng, cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và việc tăng tiền lương sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, cùng với chính sách điều chỉnh lương, Chính phủ đã có rất nhiều các giải pháp kiểm soát chặt chẽ lạm phát, ổn định chính sách tiền tệ, giá cả thị trường, qua đó hạn chế được tác động này”, ông Bùi Đức Thụ, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận xét.

Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát giúp tránh được tình trạng tăng lương - tăng giá.

Thống kê cho thấy, CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; Lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bình quân cả năm 2023 lạm phát sẽ biến động ở mức khoảng 2,5 - 3,5% và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành.

"Nếu kinh tế vĩ mô không ổn định, để lạm phát phát sinh, hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, cho đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo. Trong khi đó, chi phí để ổn định lạm phát sẽ rất khó khăn, mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế", ông Bùi Đức Thụ nhận xét.

Theo ông Thụ, việc giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát giúp Việt Nam tránh được khoảng thời gian, cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, việc Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT từ 1/7 đã có tác động tích cực đến tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. “Giải pháp này thực hiện rất nhanh, không phát sinh các thủ tục, xin – cho nên ngay lập tức phát huy hiệu quả”, ông Lược nói.

Việc lạm phát có xu hướng giảm dần, cùng với nhiều các giải pháp đồng bộ khác, góp phần giúp tăng trưởng phục hồi. Cụ thể, GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, trong đó quý II tăng 1,56% (quý I giảm 0,75%); tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ.

Nhiều địa phương động lực đã có mức tăng trưởng GRDP Quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TP.HCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quy I giảm 4,5%).

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, đặc biệt là ngành công nghiệp có cải thiện, giá trị tăng thêm quý II là 1,56%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng

Mặc dù có nhiều “điểm sáng” tích cực, tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo nghị quyết của Quốc hội là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên “6 cơn gió ngược”.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng ở mức 6-6,5% cho năm nay: Kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân.

Việc nhiều dự án lớn được khởi công, trong đó có dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô góp phần đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để thực hiện được mục tiêu trên thì trước tiên phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Phương nhận xét, đây là yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng. Trên cơ sở đó sẽ tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hóa, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình, định hướng cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Sức ép về điều hành lạm phát từ nay đến cuối năm đã giảm so với trước rất nhiều. Hiện nay mức độ tăng CPI của chúng ta khoảng 3,29. Như vậy, chúng ta có rất nhiều dư địa so với mục tiêu của Quốc hội là 4,5%, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung hơn vào các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng thì cần phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp thì giải ngân vốn đầu tư công chính là động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công là hơn 711.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Để đáp ứng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ được giao là nhiệm vụ nặng nề.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc giải ngân vốn đầu tư công khi nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm về giao thông đã được khởi công. Điển hình như các dự án cao tốc Bắc Nam; sân bay Long Thành, nhất là dự án Vành đai 3 TP.HCM, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Khi bắt đầu khởi công một dự án, toàn bộ phần tiền giải ngân giai đoạn đầu của dự án tập trung vào giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng có lượng vốn lớn sẽ được giải ngân ngay lập tức, không phụ thuộc vào tiến độ thi công, để có thể trả ngay cho người dân, giúp cho khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Siết kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tâm lý sợ sai

Điều quan trọng theo ông Võ Đại Lược là cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, khắc phục tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; không dám quyết, dám làm của đội ngũ cán bộ. Cùng với đó phải tiếp tục tháo gỡ được nút thắt về mặt thể chế để khơi thông nguồn lực.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân.Để giải quyết vấn đề này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cải cách hành chính. Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, bao gồm: Tiêu dùng trong nước; đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công, gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ cao…

Đồng thời phối hợp chặt chẽ, hài hòa, đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách về thương mại, quản lý ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới