Nghiên cứu của nhóm khoa học đến từ Bắc Kinh (Trung Quốc) được công bố trên tạp chí Nature Sustainability. Họ nghiên cứu hồ sơ của hơn 250.000 phụ nữ mang thai sống tại Bắc Kinh trong 8 năm (từ 2009 đến 2017).
Kết quả, lượng tạp chất lưu huỳnh, dioxit có trong không khí được thải ra từ các nhà máy và xe cộ làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ lên tới 41%. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí chung làm tăng nguy cơ sảy thai lên tới 52%.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sảy thai.
Tác giả chính, giáo sư Liqiang Zhang cho biết, nghiên cứu nhằm thiết lập mối liên quan giữa tác động của các hóa chất độc hại có trong không khí đến sức khỏe của phụ nữ đang mang thai.
"Bà bầu cần bảo vệ bản thân thật tốt, tránh nguy cơ bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới bà mẹ mà còn gây hại cho sức khỏe thai nhi”, giáo sư Zhang nói.
Nhóm khoa học cũng chứng minh rằng, các phần tử ô nhiễm trong không khí có khả năng vượt qua hàng rào nhau thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tình trạng ô nhiễm không khí ngoài việc gây ra sảy thai, còn có thể làm suy giảm trọng lượng, tổn thương các DNA và thay đổi quần thể tế bào miễn dịch cơ thể thai nhi.
Thậm chí, theo giáo sư Zhang, những người mẹ bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí có nguy cơ bị sinh con nhẹ cân, sinh non, tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.