Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 29/12, chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt NXB Giáo dục Việt Nam) trong việc in, phát hành và giá bán sách giáo khoa giai đoạn 2014 -2018.
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa, Thanh tra kết luận, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện trái quy định Luật đấu thầu với nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, kém hiệu quả kinh tế. Theo đó, việc xác định nhu cầu sản xuất của Nhà xuất bản Giáo dục không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in). Hệ quả, làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Nhà xuất bản cũng chưa bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, giảm giá thành sách. Đơn vị này sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia để làm sách giáo khoa.
Trụ sở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
"Giai đoạn năm 2014 - 2019, nhà xuất bản chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in và lặp lại trong nhiều năm. Trong đó, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83% số lượng giấy của nhà xuất bản, tương đương gần 1.900 tỷ đồng.
Kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty Phùng Vĩnh Hưng cho nhà xuất bản cho thấy, giá giấy in được bán cao gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng", cơ quan thanh tra chỉ rõ.
Do đó, Thanh tra quyết định chuyển hồ sơ sang Bộ Công an liên quan đến nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa.
Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra phát hiện sai sót ở quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của Nhà xuất bản khiến phụ huynh, học sinh phải mua bằng với giá đã đăng ký từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách. Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền khoảng hơn 85 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Nhà xuất bản Giáo dục phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá phải đăng ký đúng.
Nhà xuất bản sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa, dẫn đến giá cao bất hợp lý.
"Nhà xuất bản chưa thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa cao, chưa thực hiện tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành sách giáo khoa, chưa thực hiện tái cấu trúc và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...", kết luận nêu và cho rằng những thiếu sót này ảnh hưởng đến phụ huynh vì họ phải mua sách giáo khoa theo giá ấn định trên bìa sách.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn có hành vi "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh". Nhà xuất bản xây dựng mức giá đăng ký giá sai so với quy định, có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực giá, đăng ký giá sách giáo khoa.
Thanh tra cũng phát hiện cơ quan này tính cả chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp vào giá thành sách giáo khoa; phân bổ chi phí chung không đúng tỷ lệ doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho sách giáo khoa cao hơn gần 70 tỷ đồng.
Thanh tra cũng phát hiện việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian "nên chưa tiết kiệm được chi phí". Tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25%, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.
Cụ thể, bốn Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục (miền Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lý cấp 1 của nhà xuất bản được hưởng 5%; các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực là đại lý cấp 2, được hưởng từ 7-8%; các đại lý, cửa hàng sách, các trường học là đại lý cấp 3, được hưởng từ 12-13%.