Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nước cờ 'khôn ngoan' của Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau đã đặt ra cho thế giới nhiều câu hỏi nghi ngờ, liệu rằng Trung Quốc có viện trợ cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Một mặt tuyên bố sẵn sàng ủng hộ những "lợi ích cốt lõi" của Nga, mặt khác, nói không với việc cung cấp vũ khí cho Moskva, rõ ràng Chủ tịch Tập Cận Bình đang đi một nước cờ "khôn ngoan", thể hiện vai trò nước lớn của Trung Quốc trong việc định hình trật tự thế giới mới.

Để hạn chế sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và Nga rất cần sự ủng hộ của nhau. Trung Quốc và Nga, với tư cách là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các bên quan trọng của Nhóm G20, APEC, đã hợp tác chặt chẽ và đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, từ tình hình Triều Tiên, Afghanistan cho đến vấn đề hạt nhân Iran...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 20/3/2023. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Quan hệ thương mại giữa hai nước liên tục tăng trong 10 năm qua, dự kiến sẽ vượt mốc 200 tỷ USD trong năm nay, trong đó đồng tiền thanh toán chủ yếu là đồng rúp và đồng nhân dân tệ. Trung Quốc và Nga sát cánh cùng nhau trong quan hệ thương mại bắt nguồn từ ý định làm suy yếu vũ khí chiến lược, đồng bạc xanh của Mỹ trong vai trò chi phối kinh tế và thương mại toàn cầu.

Phi USD hóa không những giúp Nga hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt mà còn giúp Trung Quốc giải quyết được nhiều căng thăng với Mỹ trong các cuộc chiến thương mại với nước này và nâng cao tính quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ.

Tuyên bố Nga-Trung được ký mới đây trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moskva làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong kỷ nguyên mới, tuy nhiên cũng khẳng định quan hệ hai nước có bản chất không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.

Tuy nhiên, mối quan hệ "bằng hữu" giữa 2 nước dấy lên hàng loạt nghi ngờ về việc Trung Quốc có hay không viện trợ vũ khí cho Nga trên mặt trận Ukraine, trong đó có việc các nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố Kiev đã bắn rơi 1 số thiết không người lái (UAV) có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tuyên bố với thế giới rằng, nước này sẽ không viện trợ bất cứ vũ khí nào cho Moskva.

Điều này cho thấy lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine rất rõ ràng và đồng nhất với vai trò "sứ giả hòa bình" của Trung Quốc. Để củng cố cho lập trường của mình, tại Hội nghị An ninh Munich, Trung Quốc đã tích cực đưa ra bản đề xuất 12 điểm vào dịp tròn 1 năm xung đột Nga-Ukraine.

Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tránh thổi bùng thêm ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, khẳng định đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine, kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga...

Mặc dù Kiev và các nước Phương Tây không đồng tình với bản đề xuất này, cho rằng đây là bản đề xuất phi thực tế, với giọng điệu có lợi nhiều hơn cho phía Nga. Tuy nhiên, bản đề xuất cũng đã được một số quốc gia Phương Tây như Hungary ủng hộ. Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc đã phần nào cho thấy mong muốn làm vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột này, và nếu nhìn rộng ra trên thế giới, với vai trò và vị thế của mình, rõ ràng Trung Quốc đang nổi lên là "người kiến tạo hòa bình" số một cho cuộc chiến này.

Uy tín của Bắc Kinh liên tục gia tăng khi mới đây họ đã thành công trong việc làm trung gian hòa giải cho Iran và Ả Rập Xê-út, tiến tới hai quốc gia Trung Đông đồng ý bình thường hoá quan hệ sau nhiều năm bất hòa. Việc Trung Quốc, trong vai trò nước lớn, đứng ra làm trung gian hoà giải trong các mối quan hệ quốc tế để thể hiện vị thế, nâng cao ảnh hưởng là điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, mức độ tham gia các vấn đề quốc tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden phần nào giảm sút thì những động thái của Bắc Kinh trở nên nổi bật, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sắm vai một cực cùng với Mỹ trong trật tự thế giới mới đa cực.

Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một trung gian hòa giải trong cuộc cạnh tranh giữa Ả Rập Xê-út và Iran, cuộc xung đột ở Ukraine chắc chắn không phải là phản ứng đơn lẻ, ngẫu nhiên của chính quyền nước này mà phản ánh sự điều chỉnh, thích ứng và linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, hướng tới một vai trò lãnh đạo thế giới chủ động hơn.

Lê Huy (VOV.VN)

Tin mới