Sau những cố gắng, Thu Hoài trúng tuyển chương trình học tiến sĩ chuyên ngành Hóa tại Arizona State University (Mỹ) với mức hỗ trợ khoảng 350.000 USD/5 năm (khoảng 8 tỷ đồng). Công việc của Hoài hiện là nghiên cứu sinh và làm trợ giảng.
Niềm yêu thích với Hoá học đến với Hoài bắt nguồn từ những thí nghiệm thú vị khi còn học phổ thông. “Năm 2014, em đỗ vào lớp Tài năng Hoá của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Từ đó em luôn gắn liền với môn học đặc biệt này ”, Hoài chia sẻ.
Bước sang năm thứ ba đại học, Hoài có cơ hội dự phỏng vấn chương trình liên kết của trường và nhận học bổng thạc sĩ tại Thuỵ Điển. Vì vậy, Hoài học song song cả 2 chương trình cử nhân, thạc sĩ.
Nguyễn Thu Hoài (cựu sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) từng học song song cả chương trình Cử nhân và Thạc sĩ.
Một điểm khá đặc biệt là Hoài nhận bằng thạc sĩ tại Thụy Điển trước khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Đó là do Hoài được đồng ý học chương trình thạc sĩ liên kết của Thuỵ Điển từ năm thứ ba, trong khi hầu hết những sinh viên khác theo chương trình này thường lên đường vào năm năm thứ tư.
“Thời gian đầu sang Thuỵ Điển em khá hoang mang khi là học sinh nhỏ tuổi nhất lớp. Nhưng trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, được nhiều anh chị và thầy cô truyền cảm hứng khiến em đam mê môn Hoá nhiều hơn, tìm được hướng nghiên cứu yêu thích”.
Hoài cho biết để tìm được lĩnh vực phù hợp nhất nên có trải nghiệm ở nhiều mảng khác nhau. Nếu ở đại học, Hoài làm về hoá ứng dụng vào sản xuất như “test nhanh thực phẩm sử dụng phổ hồng ngoại” thì ở bậc thạc sĩ, em chọn mảng mới là “nghiên cứu về vi khuẩn chuyển hoá thuỷ ngân trong môi trường”.
Sau năm học đủ tín chỉ và hoàn thành đề tài, Hoài được cấp bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, Hoài vẫn chưa hoàn thành chương trình cử nhân ở Việt Nam nên quay về để hoàn thành tín chỉ và đề tài để tốt nghiệp.
Có cơ hội tiếp tục học tiến sĩ nhưng Hoài quyết định dành 2 năm đi làm để có kinh nghiệm thực tế và tham gia chương trình thực tập tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng đó, âm thầm chuẩn bị cho dự định học PhD tại Mỹ.
Cần xác định học tiến sĩ để làm gì?
“Bố mẹ từng không ủng hộ và khuyên em cân nhắc lại. “Tại sao cứ phải học lên cao để làm gì? “Tại sao con không ở Việt Nam làm việc?”. Em tin mỗi người đều có một giá trị khác nhau nên hãy khám phá và phát huy điều đó. Vì thế, em bền bỉ thuyết phục bố mẹ cho mình thực hiện”, Hoài chia sẻ.
Cuối năm 2019, Hoài bắt đầu thi các chứng chỉ và đạt kết quả TOEFL 107/120, GRE 331 (bài kiểm tra yêu cầu đối với sinh viên dự định học thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Mỹ). Đồng thời, tìm hiểu các trường đại học có dự án phù hợp, liên hệ trước với giáo sư.
Điểm khiến Hoài tự tin nhất là những trải nghiệm nghiên cứu có được khi đi học và làm việc. Trong bài luận, Hoài thể hiện rõ những tố chất, năng lực để đáp ứng việc học tiến sĩ. Đồng thời, chia sẻ những câu chuyện thật của bản thân cùng mong muốn ứng dụng vào thực tiễn khi theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu về Hoá học.
Ngoài ra, Hoài xin thêm 2 lá thư giới thiệu từ giáo sư hướng dẫn và làm việc cùng. “Đợt nộp hồ sơ năm 2020 em gửi tới 5 trường và nhận được chấp nhận từ 4 trường. Em chọn học tại Arizona State University vì hướng nghiên cứu hoá phân tích, hoá môi trường của giáo sư đúng lĩnh vực em thích”, Hoài nói.
Theo Hoài, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra khi quyết định học tiến sĩ là bản thân đã thật sự sẵn sàng và chuẩn bị tâm lý hay chưa. “Các bạn nên xác định rõ ràng mình thích gì, cần điều gì khi học tiến sĩ? Bỏ ra 5 năm để thu lại những gì? Và sẵn sàng chấp nhận rủi ro hay không?.
Với Hoài, học tiến sĩ tuy vất vả nhưng nhiều niềm vui như có cơ hội làm việc với giáo sư, đồng nghiệp giỏi.
“Em thích giảng dạy, khi học PhD được làm song song nghiên cứu và trợ giảng. Dùng kiến thức có được truyền đạt cho người khác cũng là cách để mình tự ôn lại và phát triển nhiều kỹ năng khác”.
Bên cạnh đó Hoài cho hay phải chấp nhận dành nhiều thời gian, công sức hơn cho nghiên cứu, xa gia đình và bạn bè. Trong khi các bạn xung quanh lập gia đình hay có công việc ổn định thì mình vẫn theo đuổi một đề tài chưa rõ câu trả lời. Em có lựa chọn riêng, làm những gì mình thấy phù hợp và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định đó. Theo Hoài, học tiến sĩ cần nhất là sự kiên trì, không ngừng tò mò và chủ động tiếp thu những kiến thức mới.
Nhà khoa học nữ người Mỹ nhận giải Nobel Hóa học năm 2020 - GS. Jennifer A. Doudna là người truyền cảm hứng cho Hoài. “Bà là người phụ nữ đam mê nghiên cứu, kiên trì đưa khoa học đi vào ứng dụng thực tiễn. Em luôn mong muốn đề tài mình thực hiện sẽ mang lại những giá trị như vậy”.
"Năm thứ 2 và thứ 3 học PhD đều có kỳ thi, nếu không đỗ thì nghiên cứu sinh sẽ tốt nghiệp với bằng thạc sĩ. Cũng có trường hợp trải qua 5 năm nhưng không hoàn thành được. Đó cũng là rủi ro có thể xảy ra. Khoa học cho em một lăng kính để quan sát điều kỳ diệu, mang đến trải nghiệm quý giá khác và em chấp nhận đánh đổi” - Hoài nêu suy nghĩ.
Hiện tại, Hoài đang thực hiện đề tài về Coronavirus trên chuột (trong môi trường an toàn, ngăn chặn sự các khả năng biến đổi, lây lan của virus).
“Dự án tìm hiểu về dùng điện trường nghiên cứu bề mặt của virus, nắm bắt tính chất, hoạt động và phân biệt chủng virus khác nhau, hướng đến nghiên cứu biện qua điện trường, quét nước bọt bằng điện trường thay vì xét nghiệm sinh học phân tử”.
Bên cạnh đó, Hoài dành 20 tiếng/mỗi tuần đi dạy môn Hóa đại cương cho sinh viên năm thứ nhất.