Chiều 22/2, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ 0h ngày 16/2), cơ quan này đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!), Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thúc đẩy thu mua nông sản từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Dịch COVID-19 bùng phát khi những cánh đồng trồng rau vụ đông ở TP Chí Linh đang đến kỳ thu hoạch. Hàng loạt nông sản như cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt… bị mắc kẹt, không thể tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Huệ)
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương (khoảng 100 tấn/tuần). Dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần.
MM Mega Market (Việt Nam) cũng có văn bản cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương và đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của Mega Market tại miền Trung và miền Nam.
Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.
Bộ Công Thương cũng làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện, có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.
Theo đó, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu. Điều này làm cho hàng hóa bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng.
Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại công văn số 898 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được.
Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương.
"Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, tính đến 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa - 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu).
Nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu.
Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được. Cụ thể còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.