Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “50 năm quan hệ Việt Nam - Australia: Hợp tác khu vực trong một thế giới thay đổi”.
Diễn đàn là một hoạt động thiết thực kỷ niệm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Australia đã và đang được vun đắp trong suốt năm thập kỷ qua.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn.
Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 50 năm quan hệ hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai quốc gia sẽ không chỉ là động lực cho sự tiếp tục phát triển mà còn là điều kiện để gắn kết giữa hai quốc gia trên nền tảng vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam và Australia.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thượng Nghị sỹ Penny Wong, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương; đại biểu quốc tế; cùng các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam và quốc tế.
Diễn đàn khoa học Việt Nam - Australia tạo không gian để các nhà khoa học, chuyên gia, cũng như các nhà lãnh đạo, quản lý Việt Nam và Australia báo cáo, trao đổi, thảo luận để làm rõ những nội dung trọng tâm của Diễn đàn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn.
Tại Diễn đàn, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc, được tổ chức thành 02 phiên Tọa đàm cấp cao với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; và Tọa đàm bàn tròn giữa các nhà khoa học, chuyên gia của hai nước.
Diễn đàn tập trung phân tích, đánh giá những nội dung quan trọng.
Thứ nhất, hợp tác khu vực là một trong những phương thức hữu hiệu để các quốc gia thích ứng và ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng, chưa từng có trên thế giới và khu vực hiện nay. Những cú sốc về dịch bệnh, chính trị gần đây đã cướp đi nhiều thành quả to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trên thế giới.
Điều đó cho thấy nhân loại đã phải trải qua những mất mát và để thấu hiểu hơn về một thế giới mà mỗi một cá thể trong chúng ta không thể sống an toàn trong khi những cá thể xung quanh còn đang phải đối mặt với rủi ro và nguy hiểm. Không những vậy, hợp tác khu vực còn được hiểu là sự lựa chọn khôn khéo của các quốc gia trong một thế giới đầy nghịch lý và mâu thuẫn phát triển sâu sắc.
Chủ nghĩa tiểu đa phương đang là giải pháp hữu ích trong việc bổ sung cho chủ nghĩa đa phương toàn cầu, góp phần định hình một cơ chế hợp tác khu vực - toàn cầu đan xen trên nền tảng những quy tắc chung đã được xây dựng và duy trì trong nhiều năm qua.
Thứ hai, cùng với hợp tác khu vực, sự chuyển đổi từ việc tham gia những “hiệp định nông” sang “hiệp định sâu”, chú trọng nhiều đến vấn đề chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung đang là những lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia.
Các dự án liên kết trong khu vực bao hàm không chỉ xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật truyền thống mà còn hướng tới xây dựng hạ tầng số, tăng cường kết nối tri thức và con người. Nhiều sáng kiến khu vực đã tạo dựng nền tảng cho sự thay đổi về tương quan sức mạnh kinh tế, chính trị, góp phần hình thành cục diện kinh tế, chiến lược mới trong khu vực và thế giới.
Thứ ba, tạo dựng một “mô hình” và “phương thức” hợp tác riêng có, bao trùm và rộng mở. Cộng đồng ASEAN là một minh chứng thành công cho “mô hình” và “phương thức” hợp tác riêng có này.
Theo đó, phương châm chiến lược của ASEAN là “lấy ASEAN làm trung tâm”, sử dụng phương thức đối thoại thay đối đầu, thúc đẩy sự kết nối trong khu vực để không chỉ duy trì sự ổn định và thịnh vượng chung của các quốc gia ASEAN mà còn thiết lập những cầu nối với những quốc gia khác trên thế giới, đóng góp tích cực cho một thế giới phát triển trên nền tảng hòa bình, thịnh vượng chung giữa các quốc gia.