Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nợ chính phủ, nợ nước ngoài sắp tới trần cho phép

Nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50% GDP).

Chiều 22/10, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Cụ thể năm 2017, nợ công là 62,6% GDP; năm 2018 là 61,4% GDP và dự kiến năm 2019 là 61,3% GDP.

Tuy nhiên, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50% GDP).

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải.

Theo đó, nợ Chính phủ năm 2017 là 51,8%GDP; năm 2018 là 52,1% GDP; năm 2019 dự kiến là 52,2% GDP. Trong khi đó, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 là 45,2% GDP; năm 2018 là 49,7%GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9 %GDP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng các chỉ tiêu này còn trong giới hạn cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận định tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực.

Dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng; ước năm 2018 là 3,4 triệu tỷ đồng. Nợ Chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2,59 triệu tỷ đồng, ước năm 2018 là 2,89 triệu tỷ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150.700 tỷ đồng; năm 2018 là 157.130 tỷ đồng; năm 2019 là 201.210 tỷ đồng.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV khai mạc hôm nay.

Theo Báo cáo của Chính phủ, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn sang giai đoạn sau.

Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (KHĐTCTH) là 2.000.000 tỷ đồng, tuy nhiên, chưa bao gồm các nguồn vốn mới phát sinh như nguồn để lại cho đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel (từ năm 2019 sẽ đưa vào cân đối trong NSNN)... Bên cạnh đó, do một số địa phương tăng thu nên nguồn vốn NSĐP dành cho đầu tư phát triển tăng thêm. Nếu tính đầy đủ các khoản này, tổng mức vốn KHĐTCTH giai đoạn 2016-2020 sẽ vượt mức 2.000.000 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) còn lại trong 2 năm 2019, 2020, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí khoảng 237.000 tỷ đồng. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn NSTW là khó khăn, để thực hiện hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 

Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai giao kế hoạch hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế và không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch.

Duy Thành

Tin mới