Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những VĐV Việt Nam mất đỉnh cao sự nghiệp vì doping

Khi dính đến doping, nhiều VĐV của Việt Nam bị gián đoạn sự nghiệp và gần như không thể trở lại đỉnh cao thêm lần nữa.

Thể thao Việt Nam đang rúng động vì thông tin một số VĐV dương tính với doping khi thi đấu tại SEA Games 31. Đây không phải là lần đầu tiên các VĐV Việt Nam liên quan đến việc sử dụng chất cấm. Trong quá khứ, nhiều VĐV đã nhận các án phạt nặng vì dương tính với doping.

Trịnh Văn Vinh, VĐV cử tạ từng vô địch thế giới ở hạng cân 62 kg, bị cấm thi đấu 4 năm vào năm 2020 do dương tính với chất cấm có tên Adiol và Anabolic S1.1. Ngoài ra, anh còn bị phạt 5.000 USD. Đây là điều đáng tiếc với Văn Vinh khi anh là VĐV trọng điểm của cử tạ Việt Nam với mục tiêu chinh phục tấm HCV ASIAD.

Hoàng Anh Tuấn mất sự nghiệp vì doping.

Hoàng Anh Tuấn, người từng giành huy chương bạc tại Olympic Bắc Kinh 2008, bị cấm thi đấu 2 năm và nộp phạt 5.000 USD. Anh bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine tại giải vô địch thế giới năm 2010 sau một lần uống nước đóng chai ở Trung Quốc. Sự nghiệp của đô cử này cũng chấm dứt từ đây.

Một VĐV cử tạ khác cũng từng dính doping là Ngô Thị Hạnh. Sau khi giành 3 HCV ở hạng cân 75 kg tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2010, cô bị phát hiện dương tính với chất cấm Methandienone và nhận án phạt tước huy chương.

Đoàn Ngọc Hào, tuyển thủ futsal Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với doping khi thi đấu tại vòng chung kết futsal Châu Á 2014, được tổ chức tại TPHCM. Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) ra án cấm hoạt động bóng đá 2 năm đối với tuyển thủ này.

Do thiếu hiểu biết, Ngọc Hào tự ý sử dụng các loại thuốc, chất uống có cồn, không thông báo với bác sĩ của đội tuyển và để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Trường hợp hiếm hoi dương tính với doping mà vẫn trở lại mạnh mẽ là Nguyễn Thị Mỹ Linh ở môn thể hình. Tại giải vô địch thể hình châu Á 2008, Mỹ Linh dương tính với chất cấm Furosemide.

Theo quy định, Mỹ Linh phải chịu phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm. Tuy nhiên, Mỹ Linh đã kháng cáo thành công với lý do cô dính chất cấm này khi uống thuốc để chữa bệnh. Sau đó, cô chỉ bị cấm thi đấu một năm. Khi trở lại, cô giành chức vô địch châu Á và thế giới.

Tương tự Mỹ Linh, Đỗ Thị Ngân Thương, VĐV thể dục dụng cụ, cũng được giảm án cấm thi đấu xuống còn một năm khi chứng minh được mình vô tình sử dụng. Trước đó, tại Olympic 2008, cô bị phát hiện dương tính với Furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân.

Nguồn: Zing News

Tin mới