Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những trường đại học đầu tiên điều chỉnh học phí 2023

(VTC News) -

Các trường đại học công lập liên tiếp thông báo điều chỉnh không tăng học phí năm học 2023-2024.

Trường Đại học Thương mại vừa thông báo điều chỉnh mức học phí năm học 2023 - 2024 áp dụng cho sinh viên chính quy trình độ đại học.

Nhà trường đưa ra thông báo này trong bối cảnh Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện sửa đổi Nghị định 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Do đó, Đại học thương mại Hà Nội quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học trước.

Mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo, trường sẽ công bố điều chỉnh ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.

Trước đó, trong đề án tuyển sinh, Đại học Thương mại công bố mức thu học phí năm học 2023 -2024 với chương trình chuẩn dao động 23 - 25 triệu đồng, chương trình chất lượng cao, tích hợp 35,2 - 40 triệu đồng.

Năm ngoái, mức thu học phí đại học chính quy áp dụng cho khóa 58 của Đại học Thương mại dao động từ 535.000 - 959.000 đồng/tín chỉ.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng quyết định không tăng học phí trong năm 2023 - 2024. Theo đó, với chương trình đào tạo chuẩn có mức học phí 354.000 đồng/tín chỉ, chương trình đào tạo chất lượng cao có mức học phí 770.000 đồng/tín chỉ. 

Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa công bố điều chỉnh mức thu học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức học phí năm học 2022 - 2023.

Cụ thể, với chương trình đại học chính quy chương trình 3,5 năm có mức học phí thấp nhất 373.000 đồng/tín chỉ và cao nhất 428.000 đồng/tín chỉ.

Với chương trình đại học chính quy chương trình 4 năm mức học phí dao động 386.000 đến 776.000 đồng/tín chỉ. Chương trình đại học vừa học, vừa làm có mức học phí thấp nhất 459.000 và cao nhất 513.000 đồng/ tín chỉ.

Đại diện lãnh đạo Đại học Mở Hà Nội cũng chia sẻ, trường đã họp bàn về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 theo hướng không tăng như Chính phủ yêu cầu, trường sẽ thông báo cụ thể sau.

Trước đó, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Đại học Công thương TP.HCM thông tin, trường đang xây dựng phương án điều chỉnh học phí, chờ Chính phủ ban hành quyết định chính thức.

Đại học Công thương TP.HCM thực hiện tự chủ 100%, không có nguồn chi từ ngân sách nhà nước. Do vậy, sau 3 năm không tăng học phí trường gặp khó trong bài toán cân đối chi ngân sách. Do đó, ông hy vọng Chính phủ, Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi Nghị định 81 phù hợp, lắng nghe nguyện vọng các trường. Các trường đại học cần thiết tăng học phí vừa để đảm bảo thu chi, vừa đảm bảo chế độ cho giảng viên, người lao động.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng.

Về lo lắng của các trường đại học sau 3 năm liên tiếp không tăng học phí, Thứ trưởng Sơn nói, học phí là nguồn thu chính của các trường, chiếm tỷ trọng 50 -90% nguồn thu, năm học 2023 - 2024 không tăng học phí là thách thức lớn cho các trường.

Để hỗ trợ các trường, Bộ GD&ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp.

Khánh Sơn

Tin mới