Cụ thể, các trường khối công an sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS Academic, TOEFL iBT, HSK); Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp điểm bài thi Bộ Công an cho tất cả ngành học.
Các trường gồm: Học viện An ninh Nhân dân, ĐH Cảnh sát Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, ĐH An ninh Nhân dân tuyển sinh có phương thức tuyển sinh thứ 2: xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (IELTS Academic, TOEFL iBT, HSK).
Yêu cầu chung đối với thí sinh xét tuyển bằng IELTS phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
- Có chứng chỉ quốc tế còn thời hạn tính đến ngày 1/7/2022 của một trong các chứng chỉ sau: IELTS (Academic) đạt từ 7.5 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt từ 110 trở lên hoặc có chứng chỉ tiếng Trung Quốc HSK cấp 5 trở lên;
- Đối với các thí sinh có dự định thi chứng chỉ quốc tế trên trong thời gian sơ tuyển thì vẫn cho đăng ký nhưng phải hoàn thành và nộp kết quả về Công an đơn vị, địa phương hoặc về Học viện ANND trước ngày 1/6/2022.
Sinh viên trường công an. (Ảnh: HV An ninh Nhân dân)
- Xếp loại học lực năm lớp 10, 11, 12 đạt loại giỏi, trong đó, điểm tổng kết môn ngoại ngữ từng năm đạt từ 8.5 điểm trở lên.
- Đối với thí sinh đang học lớp 12 vẫn cho đăng ký, sau khi có điểm tổng kết năm lớp 12, căn cứ quy định để xác định đạt điều kiện hay không.
- Tốt nghiệp THPT đến thời điểm xác nhận nhập học.
Riêng ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân và ĐH Phòng cháy Chữa cháy tuyển sinh theo 2 phương thức riêng là tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT, quy định của Bộ Công an; Xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm bài thi riêng.
Năm 2021, chỉ có Học viện An ninh Nhân dân và Trường ĐH An ninh Nhân dân bắt đầu bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế như IELTS, HSK,...
Bài thi đánh giá năng lực thế nào?
Ngoài xét tuyển thẳng và xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năm 2022, các học viện, trường công an sẽ xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT với bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an.
Cụ thể, Bộ Công an dự kiến sẽ tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Bài thi này sẽ có cấu trúc 2 phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận.
Phần trắc nghiệm thi đánh giá năng lực vào các trường công an bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường công an; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.
Ở phần tự luận, thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai nội dung là Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán.
Tổng thời gian làm bài thi đánh giá năng lực vào các trường công an là 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm chiếm 90 phút, phần tự luận 90 phút. Đề thi minh họa sẽ được Bộ Công an công bố công khai cho thí sinh và xã hội biết trong thời gian tới.
Cách tính điểm xét tuyển
Với phương thức này, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT sẽ chiếm 40% tổng điểm xét tuyển; kết quả bài thi đánh giá năng lực chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Điểm trên được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT, cộng với điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an.
Trong trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức được bài thi đánh giá năng lực, điểm xét tuyển được thực hiện như năm 2021, trong đó kết quả học bạ THPT chiếm 25% tổng điểm xét tuyển; kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 75% tổng điểm xét tuyển.
Trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, không tổ chức bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an, các trường sẽ sử dụng kết quả học bạ THPT làm điểm xét tuyển tương tự như xét tuyển các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xét tuyển trong năm 2021.