Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những sự thật ít người biết về lãnh tụ Liên Xô V.I. Lenin

Từng bị đuổi học, có thời gian làm luật sư bào chữa và bị lưu đày tới Serbia trong 3 năm là những sự thật ít người biết về lãnh tụ Liên Xô V.I. Lenin.

Nhân 149 năm ngày sinh của Vladimir Lenin (22/4/1870 - 22/4/2019), tờ History đăng tải bài viết những sự thật ít người biết đến về vị lãnh tụ vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân, nhân dân lao động toàn thế giới, người sáng lập nhà nước Xô-viết.

Từng bị đuổi học

Tháng 8/1887, chỉ vài tháng sau khi anh trai qua đời, Lenin khi đó mới 17 tuổi, ghi danh nhập học Đại học Kazan để theo đuổi ngành Luật. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó, ông bị đuổi học vì tham gia một cuộc biểu tình sinh viên. 

 Nhà lãnh tụ khi còn trẻ, khoảng năm 1887. (Ảnh: Wiki)

Sau nhiều lần cố gắng xin nhập học trở lại nhưng bất thành, Lenin quyết định theo học Đại học St. Petersburg nhưng theo dạng sinh viên ngoại trú. Lenin hoàn tất sự nghiệp học hành của mình tại đây vào năm 1891 trước khi trở thành luật sư. Cũng chính thời gian này, ông bị thu hút và thấm nhuần tư tưởng của Karl Marx. 

Bị lưu đày tới Siberia trong 3 năm

Lenin xuất bản bài luận đầu tiên về chủ nghĩa Mác vào năm 1894 sau nhiều năm qua lại giữa Pháp, Đức và Thụy Sỹ để gặp gỡ những nhà cách mạng có cùng chí hướng. Khi trở về Nga, ông bị bắt giữ khi đang lên kế hoạch lập một tờ báo Mác-xít. 

Ông bị giam giữ khoảng 1 năm trước khi bị lưu đày đến Siberia, nơi ông kết hôn với vợ mình là bà Nadezhda Krupskaya - nhà cách mạng, chính trị gia đã sát cánh cùng chồng trong cả quãng đời làm cách mạng của nhà lãnh tụ.

 Ngôi nhà Lenin từng sống trong thời gian bị lưu đày ở Siberia. (Ảnh: TTXVN)

Tại Siberia, Lenin dành nhiều thời gian để viết lách, tản bộ, bơi lội và săn bắn. Trong 3 năm bị lưu đày, ông hoàn thành tổng cộng 30 công trình trong đó đáng chú ý nhất là tác phẩm "Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga".

Sau khi rời Siberia năm 1900, Lenin dành hầu hết 17 năm còn lại ở nước ngoài và chỉ trở về quê nhà trong một khoảng thời gian ngắn vào năm 1905. 

Lenin sử dụng 148 bí danh

 Nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp Vô sản V. I. Lenin. (Ảnh: RBTH)

Vladimir Ilyich Lenin, tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov, còn thường được gọi với tên V. I. Lenin. Theo thống kê, Lenin từng có tới 148 bí danh khác nhau, phổ biển nhất là Tulin, Petrov, Meyer. Vào đầu thế kỷ 20, tác phẩm của Vladimir Ilyich ra đời dưới bút tự Lenin và bí danh này gắn với nhà lãnh tụ kể từ đó. Các nhà sử học cho rằng tên Lenin có thể liên quan tới con sông Lena ở Siberia. 

Giống như Lenin, nhiều nhà cách mạng Nga cũng thường dùng bí danh. Ví dụ, tên khai sinh của lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin là Iosif Dzhugashvili; hay Lev Trotsky là bí danh của một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga Lev Bronshtein.

Muốn được an nghỉ bên mẹ và em gái 

Tối 21/1/1924, Lenin qua đời vì đột quỵ. Trước khi ra đi, Lenin từng bày tỏ nguyện vọng được an nghỉ cạnh mẹ mình và người em gái trong khu nghĩa trang. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Xô-viết sau các cuộc họp bàn đã quyết định ướp thi hài nhà lãnh tụ. Quá trình này diễn ra trong nhiều tháng, kế đó là việc xây dựng lăng mộ vĩnh viễn tại Quảng Trường Đỏ, thủ đô Matxcơva. 

Thi hài lãnh tụ Liên Xô được đặt tại Quảng trường Đỏ cho tới nay, ngoại trừ 4 năm chuyển tới vùng Siberia xa xôi để tránh các đòn tấn công từ Đức Quốc xã trong thời gian diễn ra chiến tranh Vệ quốc. 

Song Hy

Tin mới