Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những lễ hội truyền thống An Giang đặc sắc

(VTC News) -

An Giang là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc cuốn hút du khách thập phương trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa của miền đất này.

Du lịch An Giang, du khách sẽ được trải nghiệm không khí của lễ hội, là ký ức khó quên trong hành trình khám phá vùng đất, con người nơi đây.

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ

Miếu Bà Chúa xứ núi Sam Châu Đốc là một trong những ngôi miếu lớn nhất của An Giang. Đặc biệt mỗi năm, Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ thu hút hàng triệu lượt khách thập phương quy tụ về đây dâng hương, chiêm bái. Lễ hội thường kéo dài 4 ngày, từ ngày 22/4 đến ngày 27/4 âm lịch hằng năm.

Lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những ngày hội lớn nhất của miền đất Bảy Núi, không khí vô cùng tưng bừng, náo nhiệt.

Trong khuôn khổ lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc, xem những tiết mục biểu diễn nghệ thuật ấn tượng như rước kiệu, múa lân, các trò chơi dân gian độc đáo.

Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu cũng thu hút rất đông đảo người dân địa phương và khách thập phương tham gia. (Ảnh: mia.vn)

Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu

Tiếp theo trong danh sách Lễ hội An Giang là lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu. Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Kinh, được tổ chức tại Đình Thoại Ngọc Hầu ở Thoại Sơn. Lễ hội tổ chức định kỳ hàng năm, kéo dài trong 3 ngày từ 9/4 đến 11/4 âm lịch.

Lễ hội này có ý nghĩa tưởng nhớ ông Thoại Ngọc Hầu cùng các danh thần đã có công đào nên con kênh Vĩnh Tế, giúp dẫn nước về ruộng vườn cho người dân canh tác và có kế mưu sinh.

Nghi thức đầu tiên trong Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu là rước bia tưởng niệm quanh đền. Sau khi hoàn tất nghi thức rước bia, người đại diện sẽ đọc thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu trở về để người dân được dâng hương, bái lạy.

Lễ hội An Giang Đôlta và hội đua bò Bảy Núi

Một lễ hội đặc sắc mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp đến An Giang đó là lễ Đôlta và hội đua bò Bảy Núi. Lễ Đôlta là lễ cúng ông bà truyền thống của người dân tộc Khmer ở An Giang, tương tự như lễ Vu Lan của người Kinh. Lễ Đôlta thường được tổ chức vào tháng 9, không cố định ngày, tùy từng năm sẽ do các già làng quyết định và thông báo đến mọi người.

Cũng trong khuôn khổ lễ hội đặc biệt này, các sư sãi ở chùa Rô An Giang sẽ cùng người dân ra đồng cấy lúa. Tục lệ này được thực hiện như một cách để duy trì nghề trồng lúa nước.

Lễ hội đình Châu Phú tái hiện lại những đóng góp của Thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: mia.vn)

Lễ hội Chol Chnam Thmay

Chol Chnam Thmay cũng là lễ hội của người Khmer ở An Giang, được tổ chức để ăn mừng năm mới. Theo lịch Khmer, lễ hội này sẽ được diễn ra từ ngày 14/4 đến 16/4 dương lịch. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, người Khmer sẽ cùng nhau thực hiện những nghi thức truyền thống để đón một năm mới đến.

Tham gia lễ hội Chol Chnam Thmay, bạn sẽ được thấy người Khmer mặc những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc. Họ sẽ cùng nhau tắm nước thơm để rửa trôi đi tất cả những thứ xui rủi trong năm cũ.

Ngày lễ chính sẽ được diễn ra vào sáng mùng 1 Tết theo lịch Khmer. Người dân mặc thật đẹp để lên chùa cầu phúc cho năm mới. Ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, mỗi gia đình sẽ tự thờ cúng tại nhà hoặc tổ chức ăn uống theo dòng họ, xóm làng.

Không khí tưng bừng của hội đua bò Bảy Núi khiến ai có dịp trải nghiệm cũng cảm thấy vô cùng thích thú. (Ảnh: mia.vn)

Lễ hội đình Châu Phú

Lễ hội đình Châu Phú được tổ chức từ ngày 9/5 đến 11/5 âm lịch hằng năm ở đình Châu Phú, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, An Giang. Đây là nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh đã có công khai hoang nên mảnh đất An Giang ngày nay. Lễ hội còn mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, nhà nhà no ấm. 

Lễ hội đình Châu Phú được tổ chức với các nghi lễ truyền thống như rước kiệu, đọc thỉnh Thành hoàng, lễ Túc Yết, Xây Chầu, cuối cùng là lễ Nối Sắc.

Hy vọng với những gợi mở trên đây, du khách sẽ có lựa chọn tốt nhất khi du lịch, khám phá vùng đất An Giang.

CHÂU CHÂU

Tin mới