Bỏ ra hơn 24.500 tỷ đồng để đấu giá mua đất tại Thủ Thiêm (tương ứng 2,4 tỷ đồng/m2) chưa phải là lần đầu tiên Tân Hoàng Minh khiến dư luận "sốc" về mức giá đắt kỷ lục.
Đền bù 1 tỷ đồng/m2 để "săn" dự án vàng Hà Nội
Năm 2010, lô “đất vàng” sở hữu 2 mặt tiền tại 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng từng được Tân Hoàng Minh chấp nhận đền bù với mức giá cao nhất lên tới 1 tỷ đồng/m2. Mức giá đền bù này cho đến nay vẫn thuộc hàng cao nhất Hà Nội.
Dự án tên là D’. San Raffles do CTCP Thời đại mới T&T (Thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) làm chủ đầu tư. Tân Hoàng Minh phải mất đến 7 năm chỉ để nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án. Tuy nhiên, sau khi mất nhiều năm để theo đuổi, xin giấy phép cho dự án, Tân Hoàng Minh đã rút lui khỏi dự án căn hộ - văn phòng siêu sang này.
Đất vàng Hàng Bài từng khiến dư luận choáng váng khi được đền bù với mức giá 1 tỷ đồng/m2.
Qua hàng chục năm "đất vàng" bị bỏ hoang, đến ngày 3/2/2021, dự án được khởi công, nhà phát triển dự án đã được đổi thành Masterise Homes - một thành viên của Masterise Group.
Theo giới thiệu, dự án có diện tích khu đất là 4.071 m2, mật độ xây dựng 73%. Dự án được lên kế hoạch phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang. Đặc biệt, giá chào bán dự kiến sẽ thiết lập kỷ lục giá mới tại thị trường Hà Nội, khoảng 570 triệu đồng/m2.
Ra mắt căn hộ 145 triệu đồng/m2
Năm 2012, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, dự án căn hộ siêu cao cấp D’.Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy) của Tân Hoàng Minh lại được ra mắt với mức giá 145 triệu đồng/m2, ghi nhận ngay gần 40 phiếu đặt chỗ tại phiên mở bán đầu tiên. Tuy nhiên, ngay sau đó, chủ đầu tư quyết định thay đổi chiến lược bán hàng và dừng bán dự án.
Căn hộ siêu cao cấp D’.Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy).
Thời điểm đó, các căn hộ chung cư thuộc phân khúc cao cấp cũng chỉ có mức giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Căn hộ của Tân Hoàng Minh khiến dư luận hết sức choáng ngợp.
Tân Hoàng Minh đã bỏ ra gần 10 năm để hoàn thiện đến từng chi tiết. Tân Hoàng Minh cũng cho biết, triển khai toàn bộ dự án này bằng tài chính của mình, không bán trước bất cứ căn hộ nào cho khách hàng.
Toạ lạc tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dự án căn hộ siêu sang D’. Palais Louis mô phỏng theo cung điện Versailles tráng lệ do vua Louis XIV xây dựng tại Paris, Pháp. Cần đến 10 năm thi công liên tục, dự án được mệnh danh là “kiệt tác vượt thời gian”.
Theo Tân Hoàng Minh, mặt ngoài của tòa nhà tiêu tốn 150 tỷ cho việc ốp đá granite và làm nhám bằng cách khò lửa ở nhiệt độ cao. Hàng chục căn hộ đầu tiên được nhà thầu và công nhân đến từ Ý triển khai với nội thất nhập khẩu từ Ý được tuyển lựa kỹ lưỡng.
Đại sảnh của D’. Palais Louis thực sự là một tác phẩm nghệ thuật gây choáng ngợp: 8 cánh cửa đồng trị giá 16 tỷ đồng được 40 người thợ và 8 chuyên gia nước ngoài thi công liên tục cả tháng trời; bức tranh trên trần sảnh do ba hoạ sỹ người Ý treo người trên không vẽ tay trong vòng 6 tháng với chi phí hơn 300.000 Euro; đá hoa cương ốp đại sảnh nhập từ châu Âu được cắt nguyên khối ngay từ mỏ đá, đường vân ăn khớp nhau thành bức tranh đẹp đến ngỡ ngàng…
Được biết, giá bán của các căn hộ này hiện dao động từ 140 - 150 triệu đồng/m2.
Mua đất đấu giá cao gấp 2,6 lần khởi điểm
Năm 2016, Tân Hoàng Minh từng trở thành hiện tượng trong đấu giá khi trúng lô đất tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP. HCM) với mức giá gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Khu đất có vị trí trung tâm, hai mặt tiền (Lê Duẩn và Nguyễn Du), lại cực kỳ vuông vắn (55 x 55 m) và được quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ với chiều cao tối đa 100 mét. Khi được thành phố đem ra đấu giá, khu đất đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Tổng cộng đã có 14 doanh nghiệp tiềm lực mạnh đã tham gia đấu giá khu đất với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Sau 16 phiên đấu giá căng thẳng, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chiến thắng với mức giá 1.430 tỷ đồng - cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Ngày 7/8/2015, UBND TP. HCM đã ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền "đặt cọc" đấu giá hơn 83 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Thế nhưng ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết, cụ thể là xem xét hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.
Tuy nhiên, tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn.
Với việc muốn tiếp tục mua đất vàng 23 Lê Duẩn thì ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải đóng thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn. Đến ngày 23/5/2017, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM tiến hành bàn giao khu đất cho Tân Hoàng Minh.
Bỏ 2,4 tỷ đồng mua 1 m2 đất Thủ Thiêm
Gần đây nhất, Tân Hoàng Minh lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh - trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2.
Mức giá này được ví là "không tưởng" vì vượt giá đất trung tâm quận 1, thậm chí vượt giá đất tại nhiều nơi được coi là đắt đỏ nhất trên thế giới.
Khu đất đấu giá tại Thủ Thiêm có mức giá 2,4 tỷ đồng/m2.
Được biết, lô đất này có diện tích 10.059,7m2, view hồ trung tâm với số hiệu 3 - 12, thuộc Khu chức năng số 3, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá trúng đấu giá lô đất này là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (2.942,2 tỷ đồng).
Theo phê duyệt quy hoạch của TP.HCM, mục đích của khu đất này là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại - dịch vụ, được xây dựng cao 4 - 25 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Mật độ xây dựng tối đa khối đế là gần 70% và khối tháp gần 45% diện tích đất. Dân số tối đa cho khu đất này là 3.420 người, với 570 căn hộ và 5% diện tích sàn dành cho thương mại.