Chisako Kakehi, 74 tuổi, được tòa phán y án tử hình hồi tháng 6/2021 vì giết 3 người đàn ông bao gồm cả người chồng và có âm mưu giết người thứ 4, bằng chất kịch độc cyanide (xyanua). Vụ án khiến dư luận nhớ đến “góa phụ đen” Kanae Kijima, người cũng bị kết án tử hình vì đầu độc sát hại 3 người đàn ông khoảng hơn 10 năm trước.
“Góa phụ đen” Kanae Kijima
Mùa hè năm 2009, khi cảnh sát phát hiện ra thi thể Yoshiyuki Oide trên xe ô tô gần Tokyo, Nhật Bản, suy nghĩ đầu tiên của họ là ông đã tự sát. Chiếc xe có đầy những đặc điểm trong nhiều vụ tự tử khác ở Nhật Bản. Dù vậy một điểm đáng ngờ là họ không tìm thấy khóa xe.
Nghi ngờ tăng lên khi họ tìm hiểu được rằng Oide không có lý do gì để tự sát. Chưa đầy 24 giờ trước khi chết, người đàn ông nói chuyện rất vui vẻ về việc sắp kết hôn. “Ở tuổi 41, tôi rất mong chờ được lập gia đình, và hôm nay tôi đã gặp người nhà của bạn đời tương lai”, ông viết trên blog cá nhân.
Kanae Kijima.
Oide kể: “Gần đây chúng tôi dành cả ngày cùng nhau tìm chỗ ở mới, nói về cuộc sống mới. Tối nay chúng tôi sẽ đi nghỉ ba ngày hai đêm”.
Khám nghiệm tử thi cho thấy Oide chết vì khí độc CO, nhưng trong máu ông có cả dấu hiệu của thuốc ngủ. Ngay trước khi chết, ông dường như đã chuyển 5 triệu yên (khoảng hơn 1 tỷ đồng) vào tài khoản ngân hàng của “vợ chưa cưới”.
Lần tìm theo các dấu vết của vụ án, cơ quan chức năng nghi ngờ người phụ nữ sắp kết hôn với Oide. Và họ khám phá ra, ông không phải nạn nhân đầu tiên.
Nghi phạm, được biết đến với cái tên Kanae Kijima, bấy giờ 34 tuổi, bị tình nghi sát hại 3 người đàn ông sau khi dụ dỗ họ trên các trang web hẹn hò. Cô ta bị cáo buộc lấy của các nạn nhân hàng triệu yen rồi làm họ bất tỉnh, đầu độc, ngụy trang thành các vụ tự tử hoặc tai nạn.
Vụ án ám ảnh Nhật Bản khiến giới truyền thông tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Kijima được mô tả là một kẻ giết người hàng loạt mưu mô, nhắm đến những người đàn ông từ 27-80 tuổi.
Kanae Kijima là sát thủ giết người hàng loạt đằng sau những thêu dệt về cuộc sống hào nhoáng.
Theo Yomiuri Shimbun, trong một vụ án, Kijima làm y tá tại nhà cho cụ ông Kenzo Ando, 80 tuổi. Ông Ando chết vì hỏa hoạn và xét nghiệm cũng cho thấy trong người ông có dấu vết thuốc ngủ. Kijima đã đến nhà ông cùng ngày và bị ghi hình lại đang dùng thẻ của nạn nhân rút tiền.
Bà mẹ 5 con này vì vậy được gọi là “góa phụ đen”. Thủ đoạn của cô ta sẽ là tiếp cận với các nạn nhân, phát triển mối quan hệ, đồng ý kết hôn với họ rồi giả vờ cần một số tiền lớn để hoàn thành việc học trước khi ổn định gia đình.
Trong email gửi cho một người tình 70 tuổi, Kijima nói bố mẹ đã chết vì tai nạn máy bay và cần tiền để hoàn thành việc học nhạc ở Mỹ. Người đàn ông sau đó được phát hiện chết tại nhà riêng.
Khám xét tại căn hộ của nghi phạm, cảnh sát phát hiện nhiều đơn thuốc ngủ, thuốc cảm, do ít nhất 10 bác sĩ kê. Các loại thuốc trùng với những loại có trong cơ thể nạn nhân. Ngoài ra cũng có bằng chứng cho thấy Kijima đã mua những thứ cần thiết để tạo ra khí độc CO trên internet.
Dù sống trong căn hộ thuê rẻ tiền, Kijima thường viết trên blog về một cuộc sống sang trọng. Hồ sơ trên trang hẹn hò của cô ta cũng vô cùng hào nhoáng. Kẻ giết người nói mình là y tá, giáo viên dạy piano, đầu bếp, nhà trị liệu,... tùy thuộc vào đối tượng mà cô ta muốn dụ dỗ, chỉnh sửa các bức ảnh để có ngoại hình cuốn hút hơn, và thường lái xe Mercedes đến các buổi hẹn hò xa hoa ở khách sạn.
Chỉ trong vài năm lừa gạt đàn ông, Kijima lấy được khoảng 200 triệu yen (hơn 41 tỷ đồng). Phần đông các nạn nhân là những người đàn ông trung niên cô đơn, thường xuyên tìm niềm vui ở các trang web hẹn hò.
Một số người đàn ông khác khai với cảnh sát rằng họ từng trả cho Kijima một số tiền lớn khi cùng cô ta đến khách sạn. Sau khi thức dậy vào sáng hôm sau, họ thấy đầu óc choáng váng một cách đáng ngờ.
Kijima bị tuyên án tử hình vào năm 2012.
Chisako Kakehi
Cùng thủ đoạn với Kijima, Kakehi bị cáo buộc sát hại 3 người, bao gồm chính chồng mình, từ năm 2007-2013. Tuy nhiên vụ án của “góa phụ đen” Kakehi lại có những chi tiết gây tranh cãi vì các luật sư cho rằng nghi phạm có dấu hiệu loạn trí và vì vậy không thể đủ năng lực phạm tội.
"Góa phụ đen" Kakehi. (Ảnh: Getty)
Theo NHK, Kakehi được cho là đã lấy được số tiền bảo hiểm lớn sau khi đầu độc các nạn nhân bằng cyanide. Bà ta có được chất độc khi làm việc tại một xưởng in.
"Bà ta đã sử dụng công ty mai mối để lần lượt làm quen với các nạn nhân lớn tuổi, đầu độc sau khi khiến họ tin tưởng mình", thẩm phán Yuriko Miyazaki nói. Theo Miyazaki, "ngay cả khi được cân nhắc hoàn cảnh của bị cáo, chẳng hạn như đã lớn tuổi, thì cũng không thể tránh được án tử hình".
Tòa án cũng không đồng tình với lập luận về chứng loạn trí của các luật sư. Theo đó, Kakehi được cho là đã sát hại các nạn nhân "với kế hoạch tỉ mỉ và mong muốn giết người mạnh mẽ".
Cảnh sát bắt đầu điều tra sau khi chồng của Kakehi qua đời vào năm 2013, chưa đầy hai tháng sau đám cưới. Một báo cáo khám nghiệm tử thi tìm thấy chất cyanide trong dạ dày và máu của ông. Kakehi bị bắt sau đó 11 tháng.
Một người chồng chưa cưới trước đó của Kakehi chết vì tai nạn đâm xe máy, cũng được phát hiện có dấu vết của cyanide trong cơ thể. Một người khác mắc bệnh ung thư, chết sau khi uống “thuốc bổ” mà Kakehi đưa.
Các nạn nhân của "góa phụ đen" này là những người từ 54 đến 75 tuổi. Sau khi họ chết, hung thủ ngay lập tức bắt đầu quá trình thừa kế tài sản. Cảnh sát còn cho rằng “góa phụ đen” Kaheki có liên quan đến ít nhất cái chết của 3 người khác, nhưng các công tố viên đã từ chối cáo buộc vì không đủ bằng chứng.
Asahi News ước tính Kakehi lấy được khoảng 500 triệu yen tiền của các nạn nhân, cùng một số tài sản khác, với tổng giá trị ước tính lên đến khoảng 800 triệu yen (164 tỷ đồng).
Cảnh sát khám nhà của Kaheki. (Ảnh: Getty)
100 vụ lừa tình mỗi năm
Vụ án của Kakehi một lần nữa khiến công chúng Nhật Bản chú ý đến các vụ lừa tình và nguy cơ từ các dịch vụ hẹn hò.
Kakehi và Kijima đều sử dụng một kiểu lừa đảo tài chính dựa vào việc hình thành mối quan hệ lãng mạn với nạn nhân. Tuy nhiên, trong các vụ lừa tình khác, các thủ phạm chỉ thường "bốc hơi" sau khi rút cạn ví nạn nhân chứ không đầu độc hay giết họ.
Có hơn 32 triệu người đã đăng ký hồ sơ trên 10 ứng dụng hẹn hò hàng đầu ở Nhật Bản, và khoảng 600 người đăng ký các dịch vụ tư vấn hẹn hò và hôn nhân - giống như công ty mà Kakehi đã sử dụng, theo một hiệp hội phụ trách cấp chứng nhận tiêu chuẩn hoạt động cho các dịch vụ này.
Tổ chức Tư vấn về Rối loạn nhân cách và lừa đảo hôn nhân tại Nhật Bản, một nhóm hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo có trụ sở tại Tokyo, cho biết họ ghi nhận khoảng 100 vụ lừa đảo mỗi năm tại nước này liên quan đến các mối quan hệ yêu đương.
Người phát ngôn tổ chức cho biết, nạn nhân có xu hướng thường là những người đã ly hôn hoặc góa bụa, không gia đình, hoặc ở xa gia đình, và những người này có thể đã tiết lộ mức lương hoặc tài sản lớn trên hồ sơ của họ.
Những kẻ lừa đảo thường đòi nạn nhân chi trả cho những món quà sinh nhật đắt tiền và các nhu cầu tài chính khác cho đến khi nạn nhân của họ không còn tiền để đưa. Đôi khi nạn nhân buộc phải vay từ những kẻ cho vay nặng lãi để chu cấp cho những "người tình hờ".