Mất trắng 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank
Tháng 4/2017, trong báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên; thậm chí có những vấn đề bị đánh giá là "rất nghiêm trọng".
Video: Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm
Theo UBKTTƯ, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Trong báo cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và dàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí giai đoạn 2009 – 2015 trong việc góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng được cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc mất 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank.
Theo đó tập đoàn này tham gia với vai trò cổ đông chiến lược đóng góp 20% cổ phần tại Oceanbank. Nhưng với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm, việc góp vốn vào OceanBank đã khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mất trắng 800 tỷ đồng.
Cụ thể, trong việc góp vốn tại Oceanbank, ông Đinh La Thăng đã vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích việc kỷ luật ông Đinh La Thăng
Dự án xơ sợi Đình Vũ "đắp chiếu"
Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng là minh chứng rõ nhất cho những sai lầm trong điều hành, chỉ đạo, phê duyệt dự án đầu tư của ông Đinh La Thăng thời còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí.
Trong kết luận của UBKTTƯ không dưới 2 lần nêu vi phạm của ông Đinh La Thăng và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015.
Theo báo cáo kết luận của UBKTTƯ, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ nằm "đắp chiếu".
Một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Dự án xơ sợi Đình Vũ là một trong 5 dự án thua lỗ đứng đầu của ngành Công Thương. Dự án có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy này phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.
Việc thua lỗ tại dự án này có phần trách nhiệm của Vũ Đình Duy – người tự ý đi nước ngoài vào cuối năm ngoái, đến nay vẫn chưa có thông tin. Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009. Đến tháng 2/2014, Vũ Đình Duy rời chức vụ này và được bổ nhiệm ở nhiều chức vụ khác.
Hàng loạt dự án nhiên liệu sinh học thua lỗ
Trong kết luận của UBKTTƯ, ngoài dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, 3 dự án nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn là ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước được Tập đoàn Dầu khí phê duyệt đầu tư cũng được nhắc đến.
Theo kết luận, ông Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 đã thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư.
Hàng loạt dự án nhiên liệu sinh học bị thua lỗ.
Cụ thể, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước.
Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng. Tuy nhiên, qua thanh tra, cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư.
Các dự án BOT nhiều tai tiếng
Bên cạnh các dự án thua lỗ, dang dở, xung quanh các dự án BOT nhiều tai tiếng cũng có trách nhiệm của ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Đầu tư triển khai BOT được đánh giá là một chủ trương đúng, nhưng khi triển khai thực tế thì đã bị làm cho “méo mó”, nhiều dự án bị phát hiện chi vượt định mức, thậm chí chỉ tráng nhựa cũng thu tiền cao như làm đường mới.
Các dự án BOT tai tiếng và bị người dân phản ứng gay gắt.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017: Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 18,7 tỷ đồng.
Kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị 316,2 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 55,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, dự án chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.
Tóm tắt sự nghiệp của ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng sinh ngày 10/9/1960 ở xã Yên Bình huyện Ý Yên, Nam Định.
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học từ Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), ông Đinh La Thăng công tác tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà với chức vụ là kế toán viên. Năm 1988, ông lên chức kế toán trưởng và Bí thư Đoàn thanh niên của công ty.
Năm 2003, ông Đinh La Thăng là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà.
Tháng 11/2003, ông Đinh La Thăng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Năm 2005, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tháng 12/2008, ông Đinh La Thăng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Năm 2011, ông Đinh La Thăng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông giữ chức này trong 5 năm đến năm 2016.
Tháng 1/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 2/2016, ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ngày 7/5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.
Ngày 10/5/2017, ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, được giao giữ chức Phó Ban Kinh tế trung ương.
Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).