Vài đêm trở lại đây, Zhang Hongyan - cư dân ở Bảo Sơn, Thượng Hải và các hàng xóm thường hẹn nhau để trao đổi các mặt hàng thiết yếu. Họ chọn thời điểm ban đêm để tránh giới chức phát hiện.
Để đối phó với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, Thượng Hải yêu cầu toàn bộ 25 triệu dân không rời khỏi nhà trừ khi ra ngoài để xét nghiệm.
Bất cứ ai vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Nhưng với những người như Zhang, việc thiếu thốn nhu yếu phẩm khiến cô phải "đánh liều".
Trong cuộc trò chuyện trên Wechat vào tối 7/4, Zhang đề nghị đổi 10 quả trứng để lấy một ít trái cây. Một hàng xóm của Zhang đồng ý, nói họ có sẵn táo để trao đổi.
Người dân Thượng Hải tìm cách trao đổi hàng hóa giữa mùa dịch. (Ảnh: Reuters)
"Ban ngày không tiện lắm. Tôi sẽ để trứng ở cổng tòa nhà của anh, anh nhanh tới lấy nhé", Zhang nhắn cho người hàng xóm tên Anan.
"Đồng ý, tôi sẽ lấy và để táo lại. Tốt nhất là không gặp mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm", Anan trả lời.
Theo SCMP, sau 2 tuần "phong thành", Thượng Hải dường như đang quay trở lại giai đoạn nền kinh tế không dùng tiền mặt để trao đổi thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Trong khi hầu hết các hộ gia đình đều nhận được hỗ trợ từ chính quyền, phương thức giao dịch có phần lạc hậu này trở lại và phổ biến tại các khu dân cư khi nhiều người phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và các dịch vụ giao hàng không đáp ứng kịp nhu cầu.
Người dân tìm cách trao đổi đủ thứ, từ tỏi cho tới giấy vệ sinh.
Phương thức trao đổi này được cho là sẽ tiếp tục được duy trì khi mà chính quyền thành phố chưa hề thông báo về thời điểm dỡ lệnh phong tỏa.
Một trong những vấn đề đau đầu với giới chức Thượng Hải lúc này là vấn đề nguồn cung lương thực do sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực vận tải vì các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Hôm 9/4, Phó thị trưởng Thượng Hải Tôn Minh thừa nhận thiếu sót trong cách chống dịch của thành phố.
"Rất nhiều công việc của chúng tôi vẫn chưa đủ tốt, và vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cải thiện", bà Tôn nói, nhấn mạnh giới chức sẽ cố gắng hết sức để cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân.
Cici Chen, cư dân sống ở quận Tùng Giang cho biết, việc trao đổi hàng hóa đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của cô và các cư dân khác trong tòa nhà cô đang sống.
“Ban đầu, một số người tặng miễn phí đồ cho mọi người, nhưng những người nhận muốn tặng lại một thứ gì đó để tỏ lòng biết ơn. Dần dần, nhiều người tham gia chọn cách thức trao đổi này và nó trở thành phương thức sinh tồn mới của chúng tôi", Chen cho hay.
Chen được hàng xóm cho sữa bột và bỉm. Giờ cô đang cố tìm trứng và sữa để cho lại họ.
Chen hầu hết chỉ trao đổi nhu yếu phẩm với người trong cùng tòa nhà bởi việc đổi hàng giữa 2 tòa nhà khác nhau là rất khó khăn. Chính quyền Thượng Hải trước đó nhấn mạnh phong tỏa đồng nghĩa người dân phải ở nhà cho đến khi hạn chế được dỡ bỏ.
Kết quả là mọi người không thể nhận hàng từ cổng khu dân cư hoặc thậm chí không thể đi vứt rác. Thay vào đó, các tình nguyện viên được chỉ định hoặc nhân viên bảo vệ các cụm dân cư sẽ giúp họ làm những công việc này.