Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những chuyện ít biết phía sau phim Ma làng

(VTC News) - Câu chuyện phía sau những bộ phim về đề tài nông thôn: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình....

(VTC News) - Những câu chuyện phía sau bộ phim về đề tài nông thôn: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình....


Là đạo diễn miền Bắc sớm tham gia làm phim thị trường thời kỳ ‘phim mì ăn liền’ nhưng năm đầu thập kỷ 90,  Nguyễn Hữu Phần đã giành được những thành công cả về nghệ thuật và khán giả với bộ phim Em còn hay em đã quên. Khi chuyển sang làm phim truyền hình, Ngọt ngào và man trá, Mảnh đời của Huệ Người trên núi, Một lời nói thật…

Nguyễn Hữu Phần đã khảng định niềm đam mê và khả năng làm nghề chững chạc của mình… Thế rồi, ông lại tự nguyện từ bỏ phong cách phim trữ tình, thơ mộng của mình để dấn thân vào dòng phim hiện thực - chính luận xã hội về đề tài nông thôn.

Bước đường làm phim đề tài nông thôn của Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng rất đơn giản, tự nhiên.

Năm 2000, ông được các nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Khuất Quang Thuỵ và Đạo diễn Phạm Thanh Phong ‘rủ làm phim Đất và người  với kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Vốn là người chăm đọc và yêu thích tiểu thuyết này, nên ông vui vẻ nhận lời.

Một cảnh trong 'Đất và người'

Tuy nhiên, bước vào một đề tài mới, mảng hiện thực mới, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không khỏi lo lắng. Ông đã phải bỏ thời gian thâm nhập, tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân khu vực nông thôn và càng ngày ông càng thấy mình bị cuốn hút vào chất làng quê đồng bằng Bắc bộ, mảng hiện thực ngồn ngộn của vùng nông thôn, cũng như hình tượng các nhân vật nông dân…

Ông đã tìm được nguồn cảm hứng mới và quyết tâm sáng tạo bằng ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh để khi đưa lên màn ảnh những câu chuyện, những con người có khả năng cuốn hút đông đảo khán giả truyền hình.

Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường giàu chất hiện thực, thể hiện cuộc đấu tranh quyết liệt trong xã hội nông thôn thời bao cấp với nhiều xung đột, mâu thuẫn quyết liệt giữa những dòng họ đang nắm ưu thế nào đó trong hệ thống chính quyền làng xã được tái hiện trong Đất và người hết sức thành công.

Nếu như Chu Văn Quềnh chỉ sống 30 trang giấy trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thì đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã ‘nuôi’ nhân vật này xuyên suốt bộ phim, thành một nhân vật có số phận, có tính cách, trở thành một nhân vật và tạo thành điểm nhấn, thu hút khán giả ngồi trước màn hình. Từ một Chu Văn Quềnh là sản phẩm của thời đại ấy, bộ phim đặt ra những vấn đề lớn của thời kỳ chuyển đổi.

Những thể nghiệm đầu tiên về phim truyền hình đề tài nông thôn qua bộ phim Đất và người đã tạo ra sự quan tâm của đông đảo khán giả cả nước, giúp cho các nhà làm phim và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận ra: Nông thôn Việt Nam thời bao cấp và trong quá trình chuyển đổi đang chứa đựng những vấn đề lớn lao, thiết yếu nhất của đất nước ta.

Với những nhận thức mới về nông thôn, sau thành công của Đất và người, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hào hững làm tiếp phim Ma làng (ông và nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong).

Khi trình chiếu trên màn ảnh VTV cuối năm 2007, Ma làng đã tạo ra một ‘cơn sốt’ với khán giả phim truyền hình và nhiều cuộc trao đổi, tranh luận trên báo chí.

'Ma làng' đã tạo nên một cơn sốt

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại, hồi đó, ông đã có hai cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc hai tờ báo điện tử. Khán giả trao đổi với đạo diễn đã bày tỏ sự hào hứng đón nhận và tranh luận với ông nhiều ý kiến rất hay. Họ đã cũng cấp cho ông nhiều chi tiết về đời sống người dân nông thôn và khích lệ ông  tiếp tục làm phim về đề tài này…

Sau thành công ấy, Gió làng KìnhLàng Ma 10 năm sau (Hiện đang phát sóng trên kênh VTV1) ra đời.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, khi ông bắt tay vào làm Làng Ma mười năm sau, nhiều người cho rằng ông đang ‘ăn theo’ sự  thành công của Ma làng, không ít người lo lắng là ‘Những phim ‘ăn theo’ thường không khá hơn phim trước, nên người làm phim mất uy tín…

Nhưng thực ra ông không có ý định ‘ăn theo’ như thế, bởi kịch bản của Làng Ma mười năm sau hoàn toàn có thể làm độc lập thành một bộ phim khác, nhưng ông thích lấy cái tên đó, để người xem hình dung được cả quãng đường dài số phận người nông dân trong giai đoạn mới.

'Làng ma mười năm sau'

Nếu như thời điểm diễn ra trong Ma làng kết thúc vào năm 1990, giai đoạn cuối thời bao cấp, khi người nông dân reo hò vì được khoán ruộng đất, được làm chủ chính mảnh đất của mình, cuộc sống như mở ra một trang mới thì chỉ đúng 5 năm sau, làng quê lại bị sự xâm lấn ồ ạt của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Người dân mất đất, mất nhà, không nghề nghiệp, dẫn tới hệ lụy là sự suy thoái trong tư tưởng của nhiều thế hệ.

Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không thể đưa ra một cách giải quyết cụ thể nào cho thực trạng này mà chỉ có thể đặt ra những câu hỏi với thực tại: Liệu hệ thống quản lý, chính quyền các cấp và người dân có gì sai trong quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa ấy không?

Làng Ma mười năm sau ra đời, như một câu trả lời cho số phận người nông dân trong thời kỳ chuyển đổi.

Không chỉ ở Làng Ma mười năm sau mà từ những bộ phim trước đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã thể hiện sự mạnh dạn khi dám đụng chạm đến những vấn đề gai góc, nhạy cảm của xã hội.

Có người đặt câu hỏi, sự dũng cảm đụng chạm ấy, không biết có khi nào bị ‘tuýt còi’ ‘nhắc nhở’ hay không?. Mang câu hỏi này đến với đạo diễn, ông vui vẻ trả lời: ‘Tôi tin rằng mọi sự phản ánh, dù có đúng chạm đến những vấn đề xã hội phức tạp nhưng với tinh thần xây dựng, với cách nói thẳng thắn thì khán giả, người dân, nhà quản lý sẽ nhận ra ngay, vì vậy tôi không phải lo nghĩ gì về điều này, mà những phim tôi đã làm cũng chưa có ai yêu cầu phải cắt bỏ chỗ này chỗ khác bao giờ.

Hơn thế nữa, khi phản ánh những nhân vật tiêu cực tôi thường có cách giải quyết riêng của mình bằng quan niệm ‘nhân quả’ hoặc bằng ‘tâm linh’ chứ không phải dùng đến sự trả thù hoặc xét xử theo luật pháp’.  

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trên trường quay.

Nhiều khán giả xem phim của Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thường thắc mắc: Ông là người sống ở Hà Nội, hơn thế còn là dân ‘phố cổ’ nữa, vậy làm sao có thể có được sự hiểu biết về nông thôn và người nông dân rành rẽ đến như vậy?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: ‘Chúng ta, ai chả là người nông thôn, dù có sinh ra lớn lên ở thành phố thì vẫn có họ hàng, bà con ở nông thôn. Bản thân tôi cũng quê Văn Giang, Hưng Yên, cũng thường về quê mình và đến nhiều vùng quê xa gần khác nữa để gặp gỡ, trò chuyện, đi sâu vào đời sống, suy nghĩ của họ để những thước phim chân thực nhất khi lên màn ảnh.’  

 Ông vui vẻ kể rằng: ‘Vừa rồi, khi phim chiếu đến tập thứ 5, thứ 6 gì đó có một bài báo nào đó nói rằng: ‘ông Phần nông thôn’ hóa ra ông chẳng hiểu gì về nông thôn cả. Xen Làng ma thấy cảnh sắc, con người cứ như ở thị trấn ấy’.

Tôi đọc và nghĩ rằng hình như tác giả bài báo đã già và lâu chưa về quê nên vẫn cứ hình dung nông thôn thì phải đường đất, lũy tre, nhà tranh và người nông dân thì mặc áo nâu, quần đen… Không phải thế đâu, nông thôn hiện nay khác lắm rồi, nhiều nhà cao tầng, đường bê tông, các công trình công cộng như nhà văn hóa, bưu điện, chi nhánh ngân hàng  hiện đại lắm.’

Lý giải cho sự thành công của ‘hiện tượng’ hàng loạt bộ phim về đề tài nông thôn được đón nhận, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói đơn giản, bởi chúng ta có tới 70% người nông thôn.

Ngay chính những người sống ở thành phố cũng đa số là gốc gác nông thôn, nên khi lại thấy những cảnh vật quen thuộc ấy họ thích lắm. Có những đứa trẻ được sinh ra trên thành phố, nhưng biết về nông thôn qua những bộ phim về đề tài này.

‘Điện ảnh cũng như văn học nghệ thuật, là tấm gương phản ánh đời sống xã hội, đưa đến đối tượng thưởng thức những thông điệp nhân sinh, giúp cho cộng đồng có những nhận thức chung với thực tế cuộc sống, thế nên chúng ta đang cần những người hiểu biết về xã hội và phản ánh về xã hội để đưa đến người xem những bộ phim hay, giàu sức thuyết phục.’ – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm huyết.

An Yên

Nguồn:

Tin mới