Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những chiến sĩ radar canh giữ ‘mắt thần’ miền biên viễn

(VTC News) -

Họ là những thanh niên trẻ, thanh xuân hừng hực khí thế, rời miền xuôi, rời gia đình để trở thành chiến sĩ radar nơi miền biên viễn.

Video: Những 'cánh sóng' radar Tây Bắc, vươn mắt thần canh giữ trời Việt Nam

Nằm ở độ cao 1.050m so với mặt nước biển, Trạm radar 35 (thuộc Trung đoàn radar 293, Sư đoàn phòng không 361) ẩn mình trên cao nguyên Mộc Châu hùng vĩ. Những ngày cuối năm Canh Tý, thời tiết nơi đây sương mù bao phủ, nhiệt độ thường thấp hơn các nơi khác vài độ.

Giá rét miền biên viễn

Rời Hà Nội từ sáng, chúng tôi đặt chân đến cổng đơn vị khoảng 14h. Từ trên xe xuống, cái lạnh buốt da, buốt thịt khiến ai nấy đều cảm thấy rùng mình. Sương mù bao phủ dày đặc khiến người với người đứng cách nhau chỉ 2m mà không nhìn rõ mặt.

Thiếu tá Lý Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm 35 nở nụ cười rạng rỡ mời chúng tôi vào nhà để tránh cái rét và sương mù. Anh cho biết, tháng 12 đến tháng 3 hàng năm là những tháng sương mù, ẩm ướt, tất cả vật dụng trong đó cả chăn màn, gối nệm đều ẩm ướt.

Mời khách nhấp chén nước chè cho ấm, Thiếu tá Dũng tiếp lời: “Lúc nãy ngoài trời đang là 9 độ C, tối nay nhiệt độ sẽ còn xuống nữa. Anh đêm nay sẽ được trải nghiệm cái rét về đêm của cao nguyên Mộc Châu ‘mát’ như thế nào nhé. Đối với anh em trên này thì cái rét này chưa ăn thua anh ạ, năm 2015, tại đơn vị em còn có tuyết rơi và nhiệt độ lúc đó là âm 5 độ kìa”, Dũng cười nói.

14h, Trạm radar 35 chìm trong sương mù, nhiệt độ dưới 10 độ C.

Mang quân hàm thiếu tá, là người chỉ huy trạm radar này, Dũng trẻ hơn so với tuổi 35 của mình, tính cách hiền lành, ít nói, làn da chai sạm. Rời ghế Học viện Phòng không-Không quân 10 năm trước, chàng thiếu úy trẻ ngược Thủ đô đến với cao nguyên này.

Ngày đó, đơn vị còn khó khăn về cả hạ tầng lẫn kinh tế, Dũng bỡ ngỡ khi đến đơn vị những ngày đầu. Chưa quen cái nắng cháy da của mùa hè, cái rét cắt thịt của mùa đông, người chiến sĩ trẻ nhiều lần ốm lên, ốm xuống.

Một tháng chưa quen, hai tháng, rồi đến ba tháng, Dũng dần thích nghi với nơi này, quen với cái gió, cái rét, quen với những ca trực đêm.

“Bây giờ em yêu mảnh đất này, đơn vị này, rồi anh em chiến sĩ, người dân nơi này nữa anh ạ. Cũng nhờ đó em bén duyên được với tình yêu lớn nhất của đời mình, đó là người vợ của em. Chúng em quen nhau trong một lần giao lưu tình quân dân. Cô ấy hiền và hiểu cho những người chiến sĩ như em, cảm thông và chia sẻ với những giờ trực chiến, là hậu phương vững chắc cho em có thể yên tâm công tác trong này", Dũng tâm sự.

Chàng thiếu tá trẻ tâm sự hai vợ chồng đã có một cháu nhỏ 5 tuổi. Vợ của Dũng là giáo viên, dạy xa nhà 30km.

"Hai vợ chồng cùng động viên nhau, cố gắng để cùng phát triển quê hương thứ hai này”, Thiếu tá Dũng kể.

Dẫn chúng tôi thăm quan một vòng đơn vị, Dũng chỉ đây là vườn tăng gia sản xuất, kia là các đài radar; xa xa là đài quan sát mắt…, tất cả với nhiệm vụ phát hiện và thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình báo radar cho các lực lượng liên quan, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống. 

Vị thiếu tá 35 tuổi cho biết, ở đây đa phần anh em đều xa nhà, xa gia đình. Theo quy định trong quân đội, một năm quân nhân được nghỉ 20 ngày phép, nhưng do tính chất công việc, ít người được nghỉ hết phép.

Dũng dẫn chúng tôi lên trên đài quan sát bằng mắt, xung quanh sương mù dày đặc, tầm nhìn về bầu trời phía trước gần như bằng không. Kíp trực chiến ở đây cho biết, nếu tầm nhìn hạn chế thì các chiến sĩ phải quan sát bằng đôi tai của mình, nghe âm thanh từ các hướng trên bầu trời để nhận biết và báo cáo với sở chỉ huy để tiếp tục theo dõi và xử lý.

Kíp trực trên đài quan sát luôn căng mắt theo dõi bầu trời Mộc Châu.

Không có khái niệm ngày và đêm

Trời càng về chiều, sương mù lại càng dày đặc, nhiệt độ trên trạm bây giờ xuống dưới 7 độ C. Đưa tôi chiếc mũ để tránh nhiễm sương, Dũng dẫn đến đài radar, phía trên là "cánh sóng" ăng ten đang quay chầm chậm làm nhiệm vụ của mình.

Đứng quan sát kíp trực, tôi mới phần nào hiểu rõ áp lực công việc này lớn thế nào. Đài trưởng - Trung úy Vũ Văn Thông cùng 2 trắc thủ của mình đang dán mắt, chú ý vào màn hình tín hiệu trong xe hiện sóng. Mọi nhất cử nhất động trên không phận Tây Bắc đều được kíp chiến đấu thông báo kịp thời về sở chỉ huy.

Bước ra khỏi phiên trực, nét mặt của Thông khá căng thẳng. Nhưng khi tôi hỏi thăm, Thông lại vui vẻ: “Các phiên trực đều rất áp lực vì mỗi tọa độ, đường bay của các tốp đều liên quan đến an toàn bay của cả vùng trời. Nhận thức được trách nhiệm của mình nên em luôn cố gắng trong từng phiên trực.

Lính radar chúng em là vậy anh à, canh trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, sẵn sàng mở radar bất cứ lúc nào khi có lệnh".

Thông phấn khởi khoe với tôi, ở trên này mặc dù xa trung tâm, song bọn em luôn được cấp trên quan tâm, chăm lo đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần, chính sách đặc thù…

Đặc biệt, những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có Bộ đội radar.

Điều này đã kịp thời củng cố xây dựng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phát huy truyền thống "Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể"; thực sự là “tai, mắt của Tổ quốc” quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đài trưởng Vũ Văn Thông cùng 2 trắc thủ của mình đang chú ý vào màn hình tín hiệu trong xe hiện sóng.

“Bây giờ càng ngày kỹ thuật về quân sự của Việt Nam cũng như trên thế giới ngày càng cao, cho nên những người như lớp trẻ chúng em không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Những kiến thức này vừa giúp cho chúng em nắm vững những vũ khí, khí tài mới, hiện đại vừa hướng dẫn cho các lớp chiến sĩ sau này nữa”, Trung úy Vũ Văn Thông chia sẻ.

Tại Trạm radar 35, tôi có dịp gặp gỡ Chính ủy Trung đoàn - Đại tá Nguyễn Văn Hồng cùng đoàn công tác đang đi đến các trạm để kiểm tra dịp tổng kết cuối năm.

Chính ủy Hồng chia sẻ, ngoài nhiệm vụ trực 24/24 theo dõi mọi diễn biến trên vùng trời, thì những cán bộ, chiến sĩ ở đây phải thường xuyên thay phiên nhau bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Ở nơi bốn bề là núi, thời tiết khắc nghiệt, sương mù nhiều tháng nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và tuổi thọ của khí tài.

Đặc biệt, những trang thiết bị, khí tài của trạm radar lại rất hiện đại, thiết kế tinh vi, phức tạp. Bởi vậy, những người lính radar càng phải thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, làm tốt việc che chắn, tránh nắng, tránh mưa… Đồng thời, các chiến sĩ trẻ cũng phải luôn chủ động phát hiện kịp thời và tự sửa chữa hỏng hóc, bảo đảm khí tài luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất.

“Trạm 35 thuộc đơn vị chúng tôi là một trong những đơn vị đóng quân xa trung đoàn nhất, ở đây khí hậu khắc nghiệt cũng khiến anh em phần nào mệt mỏi. Biết những sự khó khăn đó của đơn vị nên Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn luôn quan tâm, động viên anh em, cán bộ chiến sĩ nơi đây hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là chú trọng, quan tâm đến đời sống, vật chất cũng như nâng cao tinh thần thể thao, văn hóa nên cán bộ chiến sĩ trạm luôn coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình”, Đại tá Nguyễn Văn Hồng chia sẻ.

Đêm đến, nhiều cán bộ, chiến sĩ biết có khách đến thăm đã tranh thủ giờ phút nghỉ ngơi đến hỏi thăm. Ngồi quanh ấm trà nóng, tôi lắng nghe những câu chuyện của họ, những chuyện đời, chuyện binh nghiệp. Xung quanh là những gương mặt đang độ tuổi thanh xuân, những chiến sĩ ngược miền xuôi, xa nhà đến với đơn vị, mảnh đất này.

Những lứa tuổi đôi mươi đầy hoài bão, họ cũng như Thiếu tá Lý Ngọc Dũng hay Trung úy Vũ Văn Thông, đều yêu quý mảnh đất này, yêu cái nắng cái gió, yêu cái rét thấu xương, yêu những đêm trực bên nhau cùng đồng đội. Với những cán bộ, chiến sĩ nơi đây, Trạm radar 35 luôn được coi là nhà.

“Anh ngồi uống nước nhé cùng các anh em đơn vị nhé, kíp em đến giờ trực rồi”, các chiến sĩ trong kíp trực nói rồi đứng lên, chỉnh lại tư trang, quân phục và bắt đầu lên điểm gác.

Ngoài kia giá rét vẫn đang lùa về.

Nhật Vũ

Tin mới