Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ca song sinh dính liền được phẫu thuật tách rời thành công tại Việt Nam

(VTC News) -

Các cặp song sinh dính chung một hoặc nhiều phần cơ thể sau đó được phẫu thuật thành công để có cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

Cặp song sinh Việt – Đức

Trong tất cả các cặp song sinh bị dính liền thì hai bé Việt – Đức (Kon Tum) là trường hợp đáng chú ý nhất. Khi vừa chào đời hai anh em đã bị dính liền ngực, bụng cùng bộ phận sinh dục và hậu môn. Sau đó, gia đình đưa hai bé đến Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) để phẫu thuật.

Năm 1988, sau một thời gian theo dõi, kiểm tra sức khỏe, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định phẫu thuật tách rời 2 bé. Đây cũng là ca phẫu thuật tách rời cho cặp song sinh bị dính liền đầu tiên ở Việt Nam.

Hình ảnh cặp song sinh dính liền Việt - Đức.

Ca mổ đầu tiên đánh dấu lịch sử được thực hiện bởi hơn 70 y bác sỹ đầu ngành của cả nước. Tuy nhiên, sau cuộc phẫu thuật tách rời thành công, bé Việt rơi vào tình trạng sống thực vật, không còn ý thức như người em trai của mình. Sau đó, Việt bị hội chứng não cấp, hôn mê sâu và không lâu sau đó đã qua đời.

May mắn hơn, sau mổ bé Đức dần phục hồi. Hiện Đức lấy vợ và có hai con.

Hai bé Cúc - An dính nhau nhiều phần

Tháng 10/2003, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các chuyên gia của Mỹ thực hiện thành công ca mổ tách rời cho cặp song sinh ở Thanh Hóa. Hai bé Thu Cúc – Thúy An bị dính nhau nhiều phần bụng, ức, ngực, gan, khoang màng tim, tá tràng, ruột non.

Các chuyên gia nhận định đây là một ca mổ phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro do Cúc và An dính nhau quá nhiều cơ quan. Đáng chú ý, bé An lại đang bị dị tật tim bẩm sinh. Tiên lượng nếu cứu cả 2 em thì tỷ lệ thành công khoảng 50-60%, còn nếu cứu chỉ 1 em thì khoảng 70%. Sau khi cân nhắc kỹ, các bác sĩ đã quyết định mổ tách rời cứu cả hai bé.

Ca mổ có sự tham gia của 50 y bác sỹ kéo dài trong khoảng 10 giờ đồng hồ đã thành công. Hai bé Cúc - An lần đầu tiên được tách riêng nhau sau hơn 10 tháng dính chặt.

Hai bé Cúc - An.

Hai bé Cu – Cò được tách rời sau 15 ngày sinh

Ngày 17/12/2008, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục thực hiện phẫu thuật tách rời thành công cho hai bé trai Cu – Cò trú tại Nghệ An. Ngay từ khi sinh ra, hai bé bị dính nhau phần bụng. Rất may mắn, các bộ phận bên trong đều nguyên vẹn.

Quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã thông đường tiêu hóa cho bé Cò và phẫu thuật chuyển lại động mạch cho bé Cu. Ca mổ thành công, hiện cả 2 cậu nhóc vẫn đang có cuộc sống khỏe mạnh bên gia đình.

Hai bé trai dính liền gan

Năm 2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phẫu thuật thành công cho trường hợp 2 bé trai song sinh ở Bến Tre bị dính liền.

Hai bệnh nhi đều mắc bệnh tim bẩm sinh, bị dính nhau ở phần bụng và xương ức, gan cũng dính trên diện rộng (12x15cm), hai hệ tĩnh mạch cửa có nhánh thông nhau. Do sức khỏe các bé có diễn biến phức tạp, nên các bác sĩ đã quyết định mổ tách rời sau đúng 16 ngày sinh.

Ê-kíp gồm 20 người đã thực hiện phẫu thuật tách rời cho 2 bệnh nhi. Sau khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, cả hai đã được tách rời phần gan bị dính và khống chế các mạch máu, tái tạo bụng, cơ.

Long - Phụng, cặp song sinh dính liền tim, gan

Năm 2013, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền phức tạp. Bé Phi Long và Phi Phụng bị dính liền ở cả tim và gan. Đây là ca mổ tách dính liền phức tạp nhất được thực hiện tại bệnh viện thời điểm đó. Ca phẫu thuật kéo dài trong 12 giờ đồng hồ.

Sau mổ, bé Long có sức khỏe tốt. Không được may mắn như người anh em của mình, bé Phụng do không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé. Ba tháng sau ca mổ, bé Phụng chuyển biến nặng và qua đời.

Tách rời 2 bé gái dính nhau phần gan

Tháng 10/2019, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phẫu thuật tách rời thành công cho 2 bé gái sinh đôi dính liền ở Quảng Nam.

Hai bệnh nhi bị dính liền mặt trước từ ức tới bụng ngay từ khi sinh ra. Tuy các bộ phận của hai bé như tiêu hóa, hô hấp, tim mạch đều nguyên vẹn và độc lập nhưng lại bị dính nhau phức tạp ở phần gan trái.

(Ảnh: TTXVN)

Ca mổ tách rời được thực hiện bởi 20 chuyên gia, bác sĩ. Theo ThS.BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khó khăn nhất cho ca mổ là hai bé đều quá nhỏ, chỉ hơn 2 tháng tuổi nên gan rất dễ vỡ. Nếu cầm quá chặt hoặc sơ xuất nhỏ cũng khiến gan vỡ, chảy máu ồ ạt, nguy cơ thiệt mạng cao. Khi bóc tách xong, bác sĩ phải lên phương án chọn và ghép da bụng, ngực cho cả hai bé suốt 6 tiếng mới thành công.

Đang phẫu thuật tách Song Nhi

Sáng 15/7/2020, gần 100 y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ để tách đôi hai bé song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi bị dính liền phức tạp vùng bụng chậu ngay từ khi mới ra đời.

Ngay từ khi sinh ra vào tháng 7/2019, cả hai bé đều bị dính vùng bụng chậu. Sau sinh, các bé được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với một chế độ đặc biệt, chuẩn bị kỹ cho ca mổ tách rời.

Hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi bước vào ca mổ lịch sử sáng nay 15/7.

Hơn một năm chung sống trong cùng một cơ thể, Trúc Nhi và Diệu Nhi đã học được cách phối hợp và nhượng bộ đối phương gần như tuyệt đối. 6 tháng tuổi, cặp song sinh biết ngồi đậy, bò chồm, học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển.

Dù hai bé chung sống hòa bình và nhịp nhàng cùng nhau, cha mẹ và các y bác sĩ vẫn mong muốn cho hai em có cơ thể hoàn chỉnh.

Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục, hai bé gái đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, sức khỏe đảm bảo cho cuộc đại phẫu tách rời.

Tính tới 15h ngày 15/7, ca mổ tách rời cho 2 bé Song Nhi vẫn đang được diễn ra. Cả hai bé đã được tách rời thành công, sức khỏe tốt. Hiện bé Trúc Nhi được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình các cơ quan. Các bác sĩ đang chỉnh lại khung chậu, chỉnh hình cho hai bé.

Video: Trúc Nhi - Diệu Nhi được tách rời thành công, chuyển sang 2 băng ca đưa tới phòng mổ mới

Phạm Quý

Tin mới