Câu hỏi liệu thực dân Pháp có bắt giữ và sát hại Đề Thám vào tháng 2 năm 1913 hay không cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Qua nhiều chứng cứ và phân tích của các chuyên gia cho thấy thực dân Pháp chưa hề bắt được “Hùm thiêng Yên Thế”.
Đề Thám đã từng tuyên bố dõng dạc trước nghĩa quân và quân Pháp rằng: "Cái chết của ta chỉ có trời biết, đất biết, Thám biết và quạ biết". Và đúng như vậy, cho tới tận bây giờ, ngôi mộ của “Hùm thiêng” ở đâu vẫn còn là bí ẩn.
Thực dân Pháp có bắt được Đề Thám?
Theo như những gì mà một số sách vở ghi chép lại, sau cuộc càn quét của quân Pháp lên Yên Thế ngày 29 tháng 1 năm 1909 với mục đích loại trừ tận gốc phong trào khởi nghĩa do có sự chênh lệch về lực lượng quá lớn nên Đề Thám phải rút lui lên Thái Nguyên, Tam Đảo. Sau đó, tại một khu lều chạy loạn tại khu vực Hố Lẩy, Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của ông đã bị chuốc rượu say rồi bị sát hại.
Tuy nhiên, khi nói về kết thúc này của người thủ lĩnh được mệnh danh là “hùm thiêng Yên Thế”, vẫn có nhiều học giả không đồng tình. Từ trước đến nay chưa có một tài liệu nào đủ thuyết phục để chứng minh Đề Thám đã rơi vào tay giặc Pháp ngoài bản hỏi cung của thực dân Pháp với hai tên gian tế, được coi là đã trực tiếp giết hại ông.
Nơi thờ “Hùm thiêng Yên Thế” ở xã Mai Trung |
Lời khai của hai tên chỉ điểm mâu thuẫn cả về nội dung lẫn văn phong. Trong bản khai ghi rằng, chúng nhận thấy cơ hội hạ thủ Hoàng Hoa Thám vào đêm Đề Thám mở tiệc cùng các chiến hữu. Điểm mâu thuẫn trong lời khai của hai tên này là trên thực tế bên cạnh Đề Thám luôn có ba thuộc hạ đáng tin cậy. Nhưng hai gian tế lại nói rằng sau khi ẩu đả một lúc với Đề Thám thì mới thấy ba người kia chạy vào.
Theo bản khai đó, hai tên gian tế đã nói rằng trong lúc ẩu đả, một tên đã đấm vào mắt trái Đề Thám ngất xỉu. Nhưng để làm được vậy, sức người đó chắc chắn không phải tầm thường, nhất là với một người cao to khỏe mạnh như “Hùm thiêng”.
Một điểm nghi vấn nữa là sau khi giết được Đề Thám, lẽ ra thực dân Pháp phải chụp ảnh thủ cấp của ông để phát tán nhằm khủng bố tinh thần nhân dân ta. Thế nhưng, cho đến nay vẫn không ai tìm được manh mối của những bức ảnh đó. Phải chăng thực dân Pháp đã phát hiện thủ cấp mà hai tên gián điệp mang về không phải Đề Thám?
Sau đó, một số thông tin từ chính những người thân của Đề Thám kể lại, vào một đêm khoảng năm 1913-1914, Đề Thám đã lẻn vào trại giam thăm vợ con và nói rằng sẽ đi thật xa. Một chứng cớ khác nữa cần được xem xét là theo như lời của một người vợ cụ Hoàng thì khi nghe tin chồng bị chặt đầu và phơi ở chợ Nhã Nam, bà đã đút lót được các quan để cho các con ra ngoài chơi nhưng thực chất là để xem xét thực hư. Khi ra đến chợ, quả thực cái đầu bêu ở Nhã Nam không phải của cụ Hoàng bởi không có nốt ruồi ở bên tai trái.
Và cuối cùng, theo các tài liệu của Pháp đều cho rằng sau khi giết được Hoàng Hoa Thám, chúng đã cắt thủ cấp của ông và vùi xác ở Hố Lẩy, Tổ Cú, cách Nhã Nam 2km. Nếu là đúng như vậy thì tại sao, đến tận ngày nay vẫn không ai biết xác “Hùm thiêng” ở đâu. Có lẽ chỉ có một sự thật duy nhất là quân Pháp vẫn không tài nào bắt được ông. “Hùm thiêng” đã trốn thoát và sau đó tạ thế ở một nơi bí mật nào đó mà như ông từng nói: "Cái chết của ta chỉ có trời biết, đất biết, Thám biết và quạ biết".
Ngôi mộ cổ bí ẩn
Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã đến xã Mai Trung để tìm hiểu thêm về ngôi mộ cổ được cho là mộ cụ Đề Thám. Dường như những người dân nơi đây đều biết rất rõ về "ngôi mộ Đề Thám" và họ vẫn truyền miệng nhau rằng “Hùm thiêng” sau khi trốn thoát khỏi tay giặc Pháp đã về Hiệp Hòa để thăm người con trai và ở ẩn.
Sau đó, khi lâm bệnh, cụ đã tạ thế ở rừng thông và ở Hiệp Hòa chỉ có hai nơi được gọi là rừng thông đó là ở xã Hoàng Thanh và xã Mai Trung. Nhưng xét về tính chất được gọi là "rừng" thì chỉ có rừng thông Cẩm Trang ở xã Mai Trung là xứng đáng, còn ở Hoàng Thanh chỉ có thể gọi là đồi thông. Hơn nữa, nhân dân quanh vùng đều tin đây là nơi cụ Đề Thám yên nghỉ bởi có nhiều di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thê,ë đó là chuôm Yên Thế và gò Cai Chanh.
Ngôi mộ được cho là của cụ Đề Thám |
Ngôi mộ được cho là của Đề Thám nằm bên cạnh ngôi đền thờ được xây dựng đã lâu dùng để cúng bái cụ. Tại đây, chúng tôi được chị Ngô Thị Thúy, thuộc tổ tự quản của đền và anh Điều, người sống ngay gần ngôi mộ kể cho nghe những bí ẩn mà người dân phát hiện những năm gần đây. Theo chị Thúy, trước đây nơi này dân cư rất thưa thớt, khu đất này là cánh rừng thông, rừng lim rậm rạp với những cây gỗ lớn đến hai người ôm không xuể. Khi đó, ngôi mộ cổ này đã ở đây rất lâu.
Đến mãi sau này, khi có nhiều hộ gia đình vào đây khai hoang lập nghiệp mới hình thành xóm làng như bây giờ. "Khi mới vào đây, các cụ già sống lâu năm ở nơi này đã chỉ ngôi mộ và nói cho mọi người rằng đây là mộ của cụ Đề Thám. Vào đây sống thì phải hương khói cẩn thận cho cụ" chị Thúy cho biết.
Đến năm 2005, khi một người đào đất để trồng cây tạo cảnh quan cho đền đã phát hiện một số đồ vật và ba tờ giấy. Một tờ giấy bọc ngoài, một tờ có bốn hàng chữ Nho và tờ cuối cùng là một tờ viết bằng chữ bóng phải soi đèn mới thấy.
Chính chị Thúy đã là người đứng ra vận động bà con, hội phụ nữ để bàn bạc về vấn đề này. Chính chị đứng ra chịu trách nhiệm trình lên huyện, tỉnh. Sau đó số cổ vật này đã được gửi đi để kiểm tra về niên đại nhằm thể hiện tính xác thực, chứng minh đây là ngôi mộ cụ Hoàng Hoa Thám.
Chị Thúy cho biết: "Nhiều nhóm ngoại cảm sau khi về đây xác nhận mộ cụ Đề Thám còn hỗ trợ tổ tự quản chúng tôi tiền để xây lại chiếc giếng cổ gần đó, số tiền thừa dùng để sửa sang lại ngôi đền thờ". Là người thuộc Ban chấp hành Hội người cao tuổi, quản lý kinh tế của đền, chị Thúy khẳng định, mọi việc của đền đều do người dân sống xung quanh đây bàn bạc đóng góp với nhau.
Không có chuyện lợi dụng lời đồn đại để tổ chức mê tín, lừa gạt. Người dân nơi đây vẫn thờ cúng ở đền bình thường cho đến khi những cổ vật và xương cốt trong mộ bị lộ thiên mới đi trình báo. Từ đó mới có nhiều cuộc nghiên cứu và các đoàn về thăm. Trước đó, bà con sống trong xóm tự đóng góp để gìn giữ ngôi mộ được cho là của cụ Hoàng Hoa Thám này.
Sau khi thông tin về ngôi mộ Đề Thám ở Mai Trung được nhiều người biết tới, hậu duệ của cụ Đề Thám là bà Hoàng Thị Điệp cùng con cháu cũng đã đến nơi đây thắp hương. Chị Thúy kể lại: "Khi biết cháu của cụ Đề Thám về thăm, bà con mừng lắm, mọi người đang làm đồng cũng tất tả chạy về để hỏi thăm. Chúng tôi vẫn còn giữ những bức ảnh mà bà Hoàng Thị Điệp và hai người con chụp cùng người dân trong xóm".
Năm 2008, gia đình bà Điệp đã xin phép tổ quản lý đặt một pho tượng cụ Hoàng Hoa Thám để thờ cúng và vào ngày 9 tháng 5 hàng năm, người dân tổ chức giỗ cụ Đề Thám với sự góp mặt đầy đủ của các cháu.
Cho đến khi kết thúc cuộc nói chuyện, chị Thúy lại một lần khẳng định : "Nhân dân quanh đây không khẳng định đây là mộ cụ Hoàng Hoa Thám và cũng chưa cơ quan chức năng nào đưa ra kết luận. Nhưng từ trước đến nay chúng tôi chỉ nghe theo các cụ bô lão mà thờ cúng.
Dù có là mộ cụ Đề Thám hay không, việc chúng tôi lập đền thờ cũng là một nghĩa cử cao đẹp để biết ơn đến người anh hùng của đất nước. Chúng tôi không đòi hỏi lợi ích gì cho cá nhân, chỉ mong các cơ quan chính quyền sớm điều tra, nghiên cứu và đưa ra câu trả lời để giải tỏa thắc mắc của nhiều người".
Theo Ngọc Minh (CAND)