ThS.BS Đặng Ngọc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng chia sẻ trên Báo Phụ nữ Việt Nam, ăn chay được nhiều người quan tâm vì nguyên liệu được cho là thân thiện với môi trường.
Ăn chay đúng cách có thể giúp giảm cân cũng như phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống, như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, tiêu hóa, loãng xương, góp phần giảm nguy cơ ung thư.
Tuy ăn chay đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả việc thiếu một số chất khoáng cần thiết như sắt, canxi, kẽm, vitamin B12... do chỉ ăn những thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả, củ và các loại hạt.
Ngoài ra, mức cholesterol rất thấp ở người ăn chay liên quan đến nguy cơ đột quỵ xuất huyết cao hơn. Đặc biệt, việc thiếu sự có mặt của thức ăn động vật trong một thời gian dài khiến cơ thể thiếu đi nguồn đạm có giá trị sinh học cao, vốn rất quan trọng đối với trẻ em, người cao tuổi và người bệnh.
Ăn chay mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng không phải ai sử dụng đồ ăn chay cũng tốt. (Ảnh minh hoạ)
Những người không nên ăn chay
Bài viết trên website Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, ăn chay tuy có thể đem lại rất nhiều lợi ích tuy nhiên nó không phù hợp cho tất cả mọi người.
Dưới đây là những nhóm người không nên ăn chay
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú
Khi mang thai hoặc cho con bú, phụ nữ cần cung cấp nhiều dưỡng chất hơn cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ trong giai đoạn này nếu ăn chay sẽ thiếu vitamin B12, thiếu sắt, kẽm, đồng...vì các vi chất này có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật.
Phụ nữ có thai ăn chay thường xuyên thiếu máu dẫn đến sinh non, suy dinh dưỡng bào thai hoặc sinh non.
Trẻ em đang trong độ tuổi tăng trưởng
Trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng cần một nguồn dinh dưỡng đầy đủ để phát triển trí tuệ và tăng trưởng chiều cao tối ưu. Vì vậy trẻ em trong độ tuổi này nếu ăn chay thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao của cơ thể, từ đó hạn chế sự phát triển.
Người gầy yếu, thiếu máu, suy kiệt sức khoẻ, đang điều trị bệnh
Ở người thiếu máu bị thiếu hụt chất sắt, nếu áp dụng chế độ ăn chay không thịt thì lượng chất sắt sẽ càng thiếu hụt nặng hơn, tình trạng thiếu máu sẽ càng trở nên tồi tệ.
Người gầy yếu, suy kiệt sức khỏe cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ đa dạng các nguồn thực phẩm để chống chọi lại với bệnh tật và nhanh chóng hồi phục.
Người bị ung thư, trẻ em, phụ nữ có thai không nên ăn chay. (Ảnh minh hoạ)
Người mắc bệnh ung thư
Người mắc bệnh ung thư phải điều trị bằng rất nhiều các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị dẫn đến gầy sút, suy kiệt sức khoẻ.
Người bệnh cần một chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, phong phú, cung cấp đầy đủ năng lượng để đáp ứng được với các phương pháp điều trị.
Người bị viêm loét dạ dày
Rau củ chứa nhiều gluten không tốt cho những người bị viêm loét dạ dày. Sử dụng chế độ ăn chay có nhiều rau củ sẽ khiến cho người bị bệnh viêm loét dạ dày không hấp thu được dinh dưỡng đầy đủ, gây nên tình trạng thiếu chất.
Việc ăn chay đang ngày càng được phổ biến, vì ăn chay nhìn chung rất tốt cho sức khoẻ song không có nghĩa là ăn chay hoàn toàn có lợi cho tất cả mọi người.
Một người có thể ăn chay một vài lần trong tháng để đảm bảo cơ thể loại bỏ những độc tố gây hại, nhưng nếu có ý định ăn chay lâu dài nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe.