PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi chất (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), Trưởng phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM chia sẻ, những năm gần đây ở Việt Nam, chế độ ăn chay, chay trường, hay thuần chay được nhiều người lựa chọn với quan niệm để thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật, giúp tinh thần nhẹ nhõm hơn.
Chế độ ăn các loại thức ăn thực vật có lợi cho cơ thể, giúp giảm cân, phòng ngừa, hỗ trợ các bệnh lý mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống như: béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, loãng xương, góp phần giảm nguy cơ ung thư.
Ăn chay tốt nhưng nếu không biết cách có thể gây nguy hiểm cho cơ thể.
Ăn chay không đúng làm hại cơ thể
Tuy nhiên, thời gian gầy đây bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp người ăn chay tới khám trong tình trạng bị suy nhược cơ thể, thiếu máu, mắc đái tháo đường. Theo ông nguyên nhân chủ yếu do mọi người không có kiến thức về dinh dưỡng, dẫn đến áp dụng chế độ ăn hà khắc.
“Có người tới khám chia sẻ chỉ ăn rau sống, đậu, muối vừng, uống sinh tố”, bác sĩ Ninh nói và cho biết nhiều người phải ăn thịt cá trở lại vì không thể chịu được quá trình ăn chay khắc nghiệt.
Ăn chay có thể giúp giảm cân và hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng cần phải có kiến thức dinh dưỡng hoặc được bác sĩ hỗ trợ tính toán lượng calo, đạm, mỡ, đường phù hợp với tình trạng cơ thể.
Người ăn chay trường không đúng cách sẽ khiến cơ thể thiếu một số vitamin, chất khoáng, đặc biệt là sắt, kẽm, canxi… gây ra thiếu máu, đau mỏi xương, loãng xương, đái tháo đường, có nguy cơ bị đột quỵ, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
"Ăn chay không đúng cách không giúp bảo vệ sức khỏe mà là đang làm hại cơ thể", bác sĩ Ninh nhấn mạnh.
Những rủi ro đáng sợ khi ăn chay sai cách. (Ảnh minh hoạ)
Ăn chay như thế nào cho đúng?
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho hay ăn khi thực hiện ăn chay, bạn nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Người ăn chay vẫn phải ăn đủ các nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
- Chất đạm nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua...)
- Chất béo như các loại dầu ép và hạt có dầu.
- Các loại tinh bột/đường như gạo, ngô, khoai.
- Các loại rau, hoa, quả...
Các chuyên gia khuyên người ăn chay nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ, tốt nhất là phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.