Đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM bùng phát với chùm ca bệnh liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vào những ngày đầu tháng 5/2021. Chỉ 1 tháng sau, TP.HCM chạm mốc 5.000 ca.
Ngày 2/6, TP.HCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau 3 đợt dịch “giữ sạch lưới”. Đây là bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối.
Ngày 30/7, TP.HCM chạm mốc 1.000 người chết vì COVID-19. Từ lúc này, thành phố luôn ghi nhận từ 200 - 300 ca tử vong/ngày kéo dài liên tục.
“TP.HCM cố lên!", “Sài Gòn ơi mau khoẻ nhé”, “Thương và nhớ Sài Gòn”, "Cả nước cùng đồng hành với người dân Thành phố"… được người dân cả nước chia sẻ khắp các diễn đàn, mạng xã hội.
Sở Y tế TP.HCM gọi đây là khoảng thời gian khó khăn đỉnh điểm, khốc liệt và "tổn thương nhất" chưa từng có trong lịch sử. Tất cả các bệnh viện quá tải, khu cách ly lây nhiễm chéo. Người bệnh khó gọi được xe cứu thương. Gần 20.000 người tại thành phố đã qua đời vì COVID-19.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Chủng Delta gây nên đại dịch tàn khốc
Đại dịch COVID-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5/2021, tính đến tháng 10/2021, thành phố có hơn 400.000 ca mắc.
Ở thời điểm đầu tháng 5/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng (dựa vào tỉ suất mắc mới trong 7 ngày) của các quận, huyện trên toàn thành phố cho thấy tất cả đều ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần).
Tuy nhiên, chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần); số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
Giai đoạn này, thành phố đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 (4.238 giường).
Nhân viên y tế tại BV dã chiến điều trị COVID-19 số 8 ở TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7/7/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần), đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các quận, huyện trong thành phố, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày (khu vực phong tỏa chiếm đa số).
Dịch bệnh lây lan rất nhanh, đến ngày 16/7/2021, tình trạng dịch của thành phố tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (>150 ca mắc/100.000 dân/tuần), số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần; số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.
Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn thành phố đều bị quá tải, dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường).
Tính đến 17/8/2021, thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến, với tổng quy mô lên 39.398 giường và chuyển công năng 54 bệnh viện với tổng 15.261 giường, nhưng các ca tử vong vẫn tăng cao, lên 2.105 ca/tuần vào tuần lễ từ 18/8 - 24/8.
Trong vòng 1 tháng sau đó, thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và khẩn cấp đầu tư bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy), tổng cộng thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).
Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn, cam go và tàn khốc do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.
Biến chủng Delta. (Ảnh minh họa)
Gần 190.000 người được huy động chống dịch
Cho đến khoảng giữa tháng 9/2021, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, những tín hiệu lạc quan xuất hiện cho thấy TP.HCM bắt đầu kiểm soát được “đại dịch Delta”, số tử vong giảm dần, số ca mắc mới giảm, số người xuất viện đã rút ngắn khoảng cách và cao hơn số bệnh nhân nhập viện.
Đó là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM. Các cấp chính quyền, các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thiện nguyện và mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, đồng sức quyết tâm chống dịch.
Riêng đối với ngành y tế, bên cạnh việc huy động tổng lực nhân viên y tế từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn, ngành Y tế thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị gồm: các bệnh viện Bộ ngành, Trung ương; các Sở Y tế tỉnh, thành phố; các trường đại học, cao đẳng Trung ương và các tỉnh, thành; Học viện quân y; các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác cùng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố.
Tính đến 30/9/2021, tổng số lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM lên đến 187.275 người. Trong đó, lực lượng do các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành tham gia hỗ trợ là 28.989 người, trong đó có 2.335 bác sĩ; 5.011 điều dưỡng; giáo viên, sinh viên các trường y khoa là 4.760 người; 6.103 chiến sĩ quân y; 175 cán bộ chiến sĩ y tế đến từ lực lượng y tế thuộc Bộ Công an.
Nhiều lực lượng y tế từ các tỉnh thành chi viện cho TP.HCM. (Ảnh minh họa)
“2 mũi giáp công”
Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Cục Quân Y - Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, ngành Y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công” trong cuộc chiến chống COVID-19.
Mũi giáp công thứ nhất: Xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suốt với nhau gồm các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1.
Bộ Y tế đã huy động toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất của các bệnh viện Trung ương đầu ngành như: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đại học Y được TPHCM cùng với các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Quốc phòng như Bệnh viện Quân Y 175, 103 và các bệnh viện thuộc Bộ Công an cùng với thành phố gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Mũi giáp công thứ hai: Dưới sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, ngành y tế đã tập trung nguồn lực thích hợp cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.
F0 điều trị tại nhà nhận túi thuốc do cơ sở y tế địa phương cấp. (Ảnh minh họa)
Sở Y tế xây dựng các hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho F0, liên tục cập nhật theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và tình hình thực tế. Theo đó, tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện F0 kết hợp với phát túi thuốc điều trị tại nhà, kết hợp với tổ chức tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa, triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà.
Mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà cho F0 đã phát huy hiệu quả rõ nét. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến; đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Hưởng ứng mũi giáp công này, Hội Y học TP, tổ chức Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y dược TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều mô hình tư vấn từ xa qua các tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A-B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân...
Ngành Y tế thành phố gửi những tình cảm tốt đẹp nhất cùng lời tri ân sâu sắc đến tất cả các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền của đất nước, đã cùng với nhân viên ngành Y tế thành phố vượt khó, dấn thân hết mình, tất cả vì sức khoẻ của người dân.
Nhân viên ngành Y tế thành phố sẽ nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi được cùng làm việc chung với các bạn đồng nghiệp trên cả nước vì sức khoẻ của người dân thành phố và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo thành phố giao phó trong năm 2022.