Hình thức kinh doanh cho thuê căn hộ, nhà trọ vốn được cho là hướng đi “hái ra tiền” của thị trường bất động sản tại TP.HCM, nhưng sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu thuê giảm sút rõ rệt, nhiều chủ nhà đối mặt với khó khăn do tỷ lệ phòng trống tăng cao.
Làn sóng trả phòng sau dịch
Giãn cách xã hội kéo dài khiến học sinh, sinh viên phải học online, nhiều ngành kinh doanh bị tạm dừng hoạt động. Chính điều đó đã tạo nên làn sóng rời TP.HCM về quê tránh dịch của hàng trăm nghìn người, cũng là nguyên nhân khiến phòng trọ, căn hộ cho thuê trống nhiều hơn, ế ẩm hơn và giá thuê giảm sâu.
Nhiều phòng trọ cho công nhân và học sinh đang trống phòng.
Trước tình trạng ế ẩm, nhiều chủ nhà trọ ở TP.HCM đã chấp nhận đưa ra những ưu đãi hấp dẫn như giảm giá nhà, cắt bỏ các loại phí dịch vụ,... điều mà trước nay hiếm khi xảy ra.
Anh Thắng - chủ nhà một khu trọ cho thuê tại quận Bình Thạnh cho biết, 2 năm trước, giá thuê phòng trọ phổ biến từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/phòng/tháng thì đến nay, giá thuê phân khúc này sụt giảm, chỉ còn phổ biến từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng.
Theo anh Thắng, năm 2019, để tìm được phòng còn trống trong khu trọ của anh là rất hiếm, bởi đa phần người thuê khi đã ổn định chỗ ở họ ít khi di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 liên tục bùng phát hết lần này đến lần khác, nhà trọ này lúc nào cũng trong tình trạng trống phòng, có thời gian lượng phòng trống tới 40%.
Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách trở lại cuộc sống bình thường mới, anh Trần Như Đạt, chủ đầu tư 200 căn hộ cho thuê tại quận 7 kỳ vọng nhu cầu thuê phòng sẽ bắt đầu phục hồi. Nhưng niềm vui với anh Đạt chưa thấy đâu mà nỗi lo lại cận kề khi hàng loạt phòng bị trả do khách mất việc hoặc giảm thu nhập.
Giảm đến 50% giá thuê nhưng nhiều căn hộ vẫn trống phòng.
Theo anh Đạt, do có sự hỗ trợ từ phía chủ nhà nên anh cũng chủ động giảm đến 50% giá thuê và cho đóng chậm, tuy nhiên tỷ lệ trống phòng đến nay vẫn rất cao, xấp xỉ 40%.
“Giá phòng mà nhỉnh trên 6 triệu đồng thôi thì đã rất khó tìm người thuê, các bạn sale phòng, chủ đầu tư như mình rất là khó. Bây giờ ngoài giảm giá thuê, tôi hướng tới những khách hàng đang thuê chung cư với tầm giá hơn 10 triệu, đây sẽ là gợi ý để họ chuyển xuống”, anh Đạt nói.
Tương tự, anh Quang Tuấn - chủ nhà trọ tại phường 17, quận Gò Vấp cho biết, từ cuối năm 2019, khu trọ nhà anh đã tạm dừng hoạt động để xây dựng theo dạng chung cư mini, do thiếu tiền xây dựng, anh Tuấn đã vay ngân hàng 3 tỷ đồng.
Đến năm 2020, khi xây dựng hoàn tất, tưởng rằng việc cho thuê trở nên thuận lợi, tuy nhiên dịch bệnh ập tới bất ngờ, tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đặn hàng tháng, khiến gia đình anh gặp khó khăn.
"Nhà tôi xây dựng lại với 75 phòng trọ, diện tích từ 18 - 20m2, giá giao động khoảng từ 4 - 5 triệu đồng/phòng/tháng, trong phòng đều được trang bị đầy đủ điều hoà, nóng lạnh….nhưng đến nay người hỏi thuê rất ít”, anh Tuấn nói.
Hiện tại, nhà trọ của anh Tuấn mới chỉ lấp đầy khoảng 40 - 50% số phòng. Để giữ chân khách hàng đang thuê, anh Tuấn phải giảm giá mỗi phòng 700.000 đồng/tháng và một số chi phí khác.
Giảm giá thuê tới 50% nhưng phòng vẫn trống
Theo một số người làm nghề cho thuê nhà trọ, căn hộ, căn hộ cao cấp với tầm giá 14-15 triệu đồng/tháng dù có giảm 20-30% so với trước dịch bệnh nhưng nhu cầu thuê vẫn rất thấp. Phân khúc giá từ 7 triệu đồng trở lên không hấp dẫn nhiều chủ đầu tư mới do tỷ lệ lấp đầy phòng cũng thấp.
Ở mức giá thuê từ 2 - 6 triệu đồng vẫn có nhu cầu thuê ổn định nhưng chịu áp lực cạnh tranh cao khi nhiều chủ đầu tư phân khúc trung và cao cấp giảm giá, đưa giá thuê về mức hoà vốn trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều chủ nhà trọ đưa ra những ưu đãi hấp dẫn nhưng tỷ lệ phòng trống vẫn cao.
Theo khảo sát nhanh của PV VTC News, hiện không ít người kinh doanh phòng trọ, căn hộ dịch vụ ở TP.HCM đang phải treo biển sang nhượng hoặc giảm giá 50%.
Một căn hộ dịch vụ tại quận Gò Vấp với quy mô 17 phòng đã được trang bị đầy đủ nội thất giường ngủ, tivi, máy lạnh... được rao sang nhượng lại với giá 600 triệu đồng, đã bao gồm tiền cọc thuê nhà.
Một dãy trọ cũ 13 phòng tại Bình Thạnh được rao với giá chỉ 80 triệu đồng, nhưng đổi lại, người nhận sang nhượng sẽ phải sửa chữa, nâng cấp mới hoàn toàn.
Khác với mặt bằng kinh doanh, số vốn để đầu tư phòng trọ và căn hộ cho thuê thường cao hơn rất nhiều, hợp đồng thuê cũng dài hạn từ 5 năm trở lên. Nhiều chủ đầu tư chấp nhận sang lỗ hoặc cho trả góp trá trị căn hộ, cơ sở vật chất ban đầu.