Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều người trẻ mắc hội chứng cổ rùa, thoái hoá đốt sống vì điện thoại

(VTC News) -

Hơn 400 sinh viên tại TP.HCM tham gia một nghiên cứu sử dụng điện thoại trong thời gian dài, kết quả gần nửa số người mắc hội chứng cổ rùa.

Tại "Hội nghị khoa học vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ 2" tổ chức ở Hà Nội, các chuyên gia khoa Kỹ thuật Phục hồi chức năng, trường Đại học Hồng Bàng chỉ ra vấn nạn hội chứng cổ rùa ở người trẻ do lạm dụng điện thoại.

Nghiên cứu phân tích một số yếu tố liên quan đến hội chứng cổ rùa trên khảo sát 425 sinh viên tại TP.HCM khi sử dụng điện thoại. Kết quả tỷ lệ người mắc hội chứng cổ rùa là 46,6%, lệch trọng tâm đầu 69,2%. Nguyên nhân liên quan đến hội chứng cổ rùa được các nhà nghiên cứu xác định do thời gian sử dụng điện thoại nhiều, góc gập cổ trung bình thấp quá mức.

Hội chứng cổ rùa đang được xem là đại dịch của thời kỳ 4.0. Người trẻ hiện nay thường ít quan tâm đến tư thế, vì vậy ảnh hưởng của tư thế đến cấu trúc, chức năng của cơ thể và là nguyên nhân chủ yếu gây ra thoái hóa đốt sống cổ sớm ở người trẻ.

Vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng được xem là giải pháp hiệu quả để khắc phục hội chứng cổ rùa và thoái hoá đốt sống ở người trẻ.

Nhiều người trẻ mắc hội chứng cổ rùa, thoái hoá đốt sống vì điện thoại.

GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sự gia tăng của các bệnh lý cơ xương khớp đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả của các phương pháp vật lý trị liệu.

Vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng trong cả hệ thống y tế hiện đại. Thông qua các phương pháp điều trị không dùng thuốc, vật lý trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động, và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, đến nay chuyên ngành Vật lý trị liệu tại Việt Nam đang đóng góp vào công việc chăm sóc sực khoẻ toàn dân. Vật lý trị liệu là phương pháp y học vừa an toàn, vừa hiệu quả, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, giảm được các biến chứng của căn bệnh

Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam.

Quản lý cơn đau là một trong những ứng dụng quan trọng của vật lý trị liệu. Theo TS Lester E. Jones, Viện Công nghệ Singapore, đau mãn tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và gia đình của bệnh nhân.

Khi một người bị đau mãn tính có thể bản chất là do tổn thương mô hoặc hệ thần kinh thay đổi dẫn đến nhạy cảm hơn với cơn đau. Đau mãn tính có thể gây trầm cảm, ngủ kém và tác dụng phụ trong việc sử dụng thuốc giảm đau dài hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh.

TS Lester E. Jones phân tích mô hình đau gồm có 3 lĩnh vực:

- Kích thích cục bộ (Một số loại đau do đau mô, tổn thương mô, viêm).

- Ảnh hưởng vùng xa khu vực ban đầu (có liên hệ thông qua cơ chế sinh học).

- Điều hòa trung ương (Do suy nghĩ, tâm lý của người bệnh, ví dụ như căng thẳng và niềm tin sai lệch đều ảnh hưởng xấu đến tình trạng đau của bệnh nhân).

"Cả 3 lĩnh vực trên đều tương tác với nhau khi nói đến vật lý trị liệu. Do đó, cần hợp tác đa ngành trong quản lý đau", TS Lester E. Jones nói.

TS Lester E. Jones đưa ra cách thức chữa trị can thiệp từ nhiều cách tiếp cận khác nhau như tăng cường hoạt động thể chất, thay đổi suy nghĩ người bệnh tránh suy nghĩ lệch lạc gây hại, thực hiện các phương pháp trị liệu có hiệu quả và có bằng chứng khoa học.

Nguyễn Ngoan

Tin mới