Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều gia đình cả 2 thế hệ 'còng lưng' trả khoản nợ đại học tiền tỷ

Không chỉ sinh viên mà nhiều phụ huynh vẫn đang phải chịu các khoản nợ từ thời đại học, điều này khiến cuộc khủng hoảng nợ học phí của Mỹ trở thành liên thế hệ.

Theo Nghị sĩ Haley Stevens, thành viên Ủy ban Giáo dục và Lao động Hạ viện Mỹ, trung bình người Mỹ mang theo khoản nợ học phí lên đến 30.000 USD. 

Vì thế, Nghị sĩ Haley Stevens đã giới thiệu dự luật mới mang tên "Alleviating Intergenerational Debt - AID” (tạm dịch: Giảm nợ liên thế hệ) nhằm mở rộng cơ hội trợ cấp tài chính cho các sinh viên có người thân vẫn chưa hoàn trả hết nợ học phí. 

Dự luật mới quy định chỉ những gia đình sinh viên bố/mẹ có mức thu nhập dưới 75.000 USD hoặc cả bố và mẹ có tổng thu nhập dưới 150.000 USD mới được hưởng khoản trợ cấp này.

Theo Stevens, khoản nợ học phí sinh viên liên bang lên đến khoảng 1,63 nghìn tỷ USD, phần lớn tập trung ở thế hệ Gen X.

Gia đình Masons ở bang Michigan (Mỹ) là điển hình của trường hợp khó khăn do khoản nợ sinh viên. "Hiện tôi nợ hơn 100.000 USD tiền học phí, nhưng chúng tôi cũng đang phải chi trả khoảng 30.000 USD để con gái đi học tại ĐH Michigan State và thêm khoảng 20.000 USD nữa cho con trai nhập học tại ĐH Eastern Michigan University vào tháng 10 tới”, Isaiah Mason chia sẻ.

Mason đang làm công nhân một xí nghiệp ô tô. Với mức thu nhập không cao, anh biết sẽ rất áp lực phải chi trả học phí và tiền ăn ở cho các con khi lên đại học. Dù vậy, anh quyết tâm không để con cái phải chịu hậu quả của khoản nợ học phí sinh viên giống như anh đã trải qua.

“Tôi mong rằng khi dự luật mới ban hành, sẽ có một số giải pháp tài chính sớm được áp dụng để giúp đỡ cho chúng tôi cũng như nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh tương tự”, Mason hy vọng.

Dự thảo này sẽ sửa đổi để tạo ra khoản trợ cấp mới phù hợp với thu nhập của cha mẹ chưa hoàn thành xong nợ học phí sinh viên. Số tiền có thể sẽ bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội tùy vào tình hình thực tế của các hộ gia đình.

Dự luật này đã nhận được nhiều đồng tình từ các nhà hoạch định chính sách giáo dục. Chi phí đại học ngày càng tăng khiến sinh viên và các gia đình ngần ngại đưa ra quyết định vào đại học. Họ phải cân nhắc lợi ích kinh tế giữa việc học đại học so với gánh nặng từ các khoản nợ học phí dài hạn. 

“Chúng tôi hoan nghênh việc giới thiệu dự luật AID để hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và làm giảm áp lực cho sinh viên và cha mẹ của họ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp sinh viên tiếp cận giáo dục bậc cao", Fewins-Bliss, Giám đốc điều hành Mạng lưới truy cập Đại học Michigan, chia sẻ.

Nguồn:

Tin mới