Nhân viên ngành du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng đang phải bon chen, chật vật xoay xở đủ nghề trái với chuyên môn để kiếm thêm thu nhập khi đại dịch COVID-19 đang khiến thị trường du lịch gần như đóng băng hoàn toàn.
Khách sạn Đà Nẵng đóng cửa, đường phố vắng tanh thời COVID-19.
Thất nghiệp nối thất nghiệp khi shipper cũng bị cấm
Chị Trịnh Xuân H. (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là hướng dẫn viên du lịch nhưng thất nghiệp cả tháng nay vì COVID-19. Chưa kể, công việc của chị cũng bập bõm, nghỉ nhiều hơn làm suốt từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch hung dữ này xuất hiện tại Việt Nam.
Theo chị H., từ cuối năm 2019 đến nay, Đà Nẵng liên tiếp trải qua nhiều đợt bùng phát dịch khiến không chỉ chị mà tất cả các hướng dẫn viên và nhân viên làm ngành du lịch, dịch vụ đều lâm cảnh mất việc kéo dài.
Không có khách, không có tour, cũng không thể không làm gì mãi, chị phải chuyển sang làm shipper đến 1 năm nay. Chẳng kể nắng mưa, trưa hay tối, chị H. chịu khó nhận đơn, chạy hàng góp sức cùng chồng để lo cho cuộc sống gia đình.
Thế nhưng, đợt dịch lần thứ 4 này, Đà Nẵng quyết định tạm dừng dịch vụ giao hàng, chị H, lại thêm lần nữa lâm cảnh thất nghiệp.
“Ngành du lịch bị khủng hoảng vì COVID-19, hướng dẫn viên tự do như tôi thất nghiệp phải kiếm nghề khác để mưu sinh. Làm nghề shipper tuy vất vả nhưng cũng có thêm thu nhập. Tham gia nhiều ứng dụng giao thức ăn, kiện hàng, có những tối tôi chạy được 200 - 300 nghìn đồng. Nay dịch bệnh lại bùng phát, tôi cũng không chạy shipper được nữa. Cứ thế này, tôi chưa biết chuyển sang nghề gì nữa”, chị H. than thở.
Anh Trần Huy Toàn (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) vốn là nhân viên lễ tân. Anh Toàn được chủ một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp gọi trở lại đi làm từ tháng 4/2021, để tăng cường nhân sự phục vụ mùa cao điểm du lịch hè.
Nhưng chưa kịp vui mừng vì thấy mình khá may mắn hơn rất nhiều người vẫn chưa có việc làm, anh Toàn đã lại phải thất vọng. Lương tháng đầu tiên chưa có, khách sạn đã thông báo phải đóng cửa, anh Toàn rơi vào cảnh thất nghiệp.
Không thể ngồi chịu đói, Toàn chuyển sang làm shipper cho các trang giao thực phẩm công nghệ. Nhờ chịu khó, mỗi ngày anh chạy khoảng 15-20 đơn, kiếm được 300-400 nghìn đồng, cũng đủ thu nhập lo cho gia đình cầm cự chờ ngày du lịch mở cửa trở lại để được làm đúng ngành nghề.
Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng bủa vây khi hiện tại anh Toàn lại tiếp tục thất nghiệp vì Đà Nẵng tạm dừng hoạt động của shipper để chống dịch COVID-19.
“Giờ tôi chỉ mong thành phố khống chế được đợt dịch này, để mọi người dễ dàng kiếm sống. Nghề gì bây giờ tôi cũng làm, miễn là chính đáng và có thu nhập”, anh Toàn lo lắng nói.
Nhiều nhân viên du lịch ở Đà Nẵng phải chuyển sang nghề shipper giao hàng nhưng hiện giờ hoạt động này bị cấm. (Ảnh minh họa: VnExpress)
Là lái xe phục vụ du lịch, anh Trần Đình Huy (tài xế xe du lịch 7 chỗ) không nghĩ có ngày nghề của mình lại khó khăn như bây giờ. Anh Huy cho biết, nếu không dịch bệnh, nghề ôm vô lăng của anh cũng sống ổn chứ không đến nỗi nào.
“Thường ngày tôi đưa khách đến các điểm du lịch như Bà Nà Hills, Hội An… với giá cước khoảng 400-500 nghìn đồng/chuyến khứ hồi. Mỗi chuyến xe, tôi lãi được 250-350 nghìn đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng từ khi các điểm du lịch đóng cửa vì dịch, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp chuyển sang làm shipper giao thức ăn. Mới chạy được chục ngày thì Đà Nẵng chính thức cấm shipper để phòng dịch, thế là lại ngồi không”, anh Huy than thở.
Huy tâm sự, thi thoảng vẫn có những mối “ruột” nhờ ship hàng nhưng anh không dám nhận. Biết là khó khăn hơn nhưng anh vẫb phải chấp hành quy định phòng chống, mong đẩy lùi được dịch COVID-19.
Xe chở khách du lịch xếp hàng dài chờ khách.
Không còn kiên nhẫn với nghề
Anh Phan Thành, hướng dẫn viên tại Công ty du lịch V.T trên đường Pasteur, quận Hải Châu, cho biết, thất nghiệp vì khách sạn đóng cửa, cũng không thể làm shipper, anh đành quay về gom góp số tiền tích lũy được để buôn bán giày, quần áo thể thao online.
“Hướng dẫn viên như tôi có thu nhập là nhờ du khách nhưng dịch bệnh thế này thì khách đâu ra. Cũng hết cách rồi, mình phải bán hàng online kiếm thu nhập, không thể cứ ngồi chờ ngày thị trường du lịch hồi phục”, anh Thành rầu rĩ.
Từng là hướng dẫn viên chuyên các tour khách Nhật Bản, chị Trịnh Tú Trinh (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cũng đành ngậm ngùi chuyển sang bán hàng handmade online ngay từ năm 2020. Đến đầu năm nay, thấy Đà Nẵng lên kế hoạch đón khách du lịch với hàng loạt chương trình kích cầu, chị Trinh nộp đơn xin dẫn tour đến các điểm du lịch ở Hội An.
Tuy nhiên, đơn xin việc vừa nộp thì Đà Nẵng phát hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng vào ngày 3/5. Tất cả các khu du lịch bị đóng cửa để phòng dịch, đơn của chị coi như bị hủy bỏ.
“Khó khăn đủ đường, không thể kiên nhẫn với nghề được nữa, mình phải chuyển sang bán hàng kiếm sống. Nghề mình học hành ra, muốn làm vì đam mê nhưng hết đợt dịch này đến đợt dịch khác nên đành chấp nhận, dù buồn lắm”, chị Trinh tâm sự.
Dịch COVID-19 đã đẩy hàng chục nghìn lao động trong ngành du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng lâm vào cảnh thất nghiệp, phải chuyển đổi, bươn chải đủ nghề để kiếm sống nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn và chưa biết bao giờ tình hình mới khởi sắc.
Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng đã thông qua gói vay ưu đãi cho lao động trong ngành du lịch, bao gồm: các công ty du lịch, các nhà xe thuộc Hội vận chuyển cũng như nhân viên khách sạn, hiệp hội khách sạn…
Mỗi thành viên Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng được vay 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm tương đương 0,66%/tháng, thời hạn 5 năm.
Hội đang lập kênh, thu thập khảo sát để tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người lao động, đồng thời là đơn vị đứng ra hỗ trợ các cá nhân, tập thể hoàn thành hồ sơ vay vốn.