Ngày 17/6, TAND TP Đà Nẵng xét xử Bùi Văn Tấn (48 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, Lương Ngọc Vũ (44 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - đăng kiểm viên và Lương Kim Quang (30 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ và kỹ thuật LKQ về tội “Nhận hối lộ”.
Trong vụ án này, có 565 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 36 người có đơn xin xét xử vắng mặt và 63 người có mặt tại phiên tòa xét xử.
Theo cáo trạng, năm 2019, nhiều người dân tự ý cải tạo xe nhưng có nhu cầu được cấp “Giấy chứng nhận cải tạo” để làm giấy đăng ký xe, hoặc chủ xe có nhu cầu cải tạo nhưng không nắm rõ quy trình… đã liên hệ nhờ Lương Ngọc Vũ hỗ trợ làm thủ tục.
Bùi Văn Tấn (trước) tại phiên xét xử.
Sau đó, Vũ nhờ Lương Kim Quang đứng tên thành lập, làm giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV dịch vụ và kỹ thuật LKQ để lập khống hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới nhằm hợp thức thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Trên thực tế Công ty LKQ không có hoạt động kinh doanh, không thực hiện hoạt động cải tạo xe, không có nhân viên, các chữ ký tên người thiết kế.
Ngoài ra, tháng 10/2022, Lương Ngọc Vũ còn nhờ người đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ kỹ thuật ô tô Trung Bộ (Công ty Trung Bộ). Vũ sử dụng pháp nhân công ty, con dấu lập các thủ tục biên bản nghiệm thu xuất xưởng và văn bản đề nghị Trung tâm Đăng kiểm nghiệm thu, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo để cấp “giấy chứng nhận cải tạo”.
Sau khi thành lập các công ty, Vũ gặp Bùi Văn Tấn để trao đổi, thống nhất chủ trương: Vũ nhận tiền của các chủ xe đã tự ý cải tạo từ trước có nhu cầu làm thủ tục thi công cải tạo xe. Sau đó, các bị cáo lập hồ sơ thiết kế cải tạo và nộp hồ sơ để Sở Giao thông-Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị cấp thẩm định thiết kế nhằm hợp thức hóa cho các xe đã cải tạo.
Tiếp đó, nhóm này lập khống biên bản nghiệm thu xuất xưởng, văn bản đề nghị Trung tâm Đăng kiểm nghiệm thu, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo để cấp “Giấy chứng nhận cải tạo”.
Đối với xe đã được chủ xe tự ý cải tạo từ trước, có nhu cầu muốn hợp thức lại hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận cải tạo hoặc xe chưa thi công cải tạo và muốn làm hồ sơ cải tạo theo đúng quy định, Vũ trực tiếp hoặc thông qua Quang hướng dẫn chủ xe tự thi công.
Sau đó, Vũ sử dụng pháp nhân Công ty LKQ lập hồ sơ thiết kế trình Sở Giao thông - vận tải TP Đà Nẵng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.
Tiếp theo, Vũ dùng pháp nhân Công ty LKQ hoặc Công ty Trung Bộ làm khống hồ sơ thi công, cải tạo và văn bản đề nghị Trung tâm Đăng kiểm nghiệm thu và được Tấn ký cấp “Giấy chứng nhận cải tạo”.
Đối với loại xe này, Vũ thu mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Số tiền này Vũ nộp lệ phí theo quy định là 610 nghìn đồng, số còn lại Vũ cùng các đồng phạm hưởng lợi.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 2/2020 đến ngày 23/11/2022, Vũ nhận tổng cộng 655 hồ sơ các loại và tiền của các chủ xe để Bùi Văn Tấn ký cấp giấy chứng nhận cải tạo.
Cáo trạng xác định, các bị cáo đã nhận hối lộ của nhiều người với tổng số tiền 2,783 tỷ đồng. Trong số này, Vũ hưởng lợi hơn 1,1 tỷ đồng, Tấn hưởng lợi 382 triệu đồng và Quang hơn 178 triệu đồng. Quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại một phần số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả.
Sau một ngày xét xử và nghị án, sáng 18/6, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Bùi Văn Tấn mức án 8 năm tù, Lương Ngọc Vũ 13 năm tù và Lương Kim Quang 7 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.