Nhắc đến di động là nghĩ đến MobiFone
Những năm 90 của thế kỷ trước là khoảng thời gian công nghệ di động tế bào số (GSM) lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Alcatel (Pháp), MobiFone – mạng di động đầu tiên của Việt Nam đã thành hình với 7 trạm BTS ban đầu.
Ở thời điểm đó, dịch vụ viễn thông di động vẫn còn là một khái niệm xa lạ với hầu hết người dân Việt Nam. Các thiết bị đầu cuối dùng cho mạng viễn thông di động vừa khan hiếm, đắt đỏ, lại vừa to vừa nặng. Tiền thuê bao và cước cuộc gọi cũng rất đắt.
Tuy nhiên, hợp đồng hợp tác kinh doanh kéo dài 10 năm giữa MobiFone với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) giúp nhà mạng này phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của cả ngành viễn thông Việt Nam.
Trong giai đoạn 1996-1999, MobiFone là nhà mạng đầu tiên ra mắt dịch vụ trả trước tại Việt Nam với gói cước MobiCard. Đến năm 2008, MobiFone lại một lần nữa dẫn đầu khi cung cấp gói dịch vụ GPRS đầu tiên trên thị trường di động. Đây cũng là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ Data Roaming cho thuê bao trả trước.
Ngày 10/7/2014 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của doanh nghiệp này khi quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty Thông tin di động (MobiFone) được bàn giao từ Tập đoàn VNPT về Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). Cuối năm đó, Tổng công ty Viễn Thông MobiFone được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động.
Sau 5 năm hoạt động dưới “mái nhà” Bộ TT&TT, năm 2018, Tổng công ty Viễn thông MobiFone được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.
Trải qua quá trình 30 năm phát triển, trưởng thành, MobiFone nhiều lần nhận được các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2008 (giai đoạn 2003 – 2007), danh hiệu Anh hùng Lao động vào tháng 7/2011. Năm 2013, MobiFone còn vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba giai đoạn 2008 – 2012.
MobiFone vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001.
Số liệu đến hết tháng 2/2023 của Bộ TT&TT cho thấy, hạ tầng băng rộng di động giờ đây phủ sóng tới 99,7% số thôn trên toàn quốc. Lượng thuê bao băng rộng di động cả nước ước đạt 85,79 triệu. 19,79 triệu hộ gia đình Việt Nam có Internet cáp quang.
Với những kết quả tích cực trên, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của ngành viễn thông thế giới. Trong thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của MobiFone – mạng di động đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam.
Liên tục đổi mới để đưa Việt Nam lên môi trường số
Thực tế cho thấy, MobiFone là một thương hiệu lớn của Việt Nam. Nhắc đến MobiFone là nhắc đến điện thoại di động, giống như nói đến Honda là nghĩ ngay đến xe máy.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT&TT, MobiFone là tổng công ty viễn thông quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, có sự hợp tác với nước ngoài. Đây cũng là doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động vào loại cao nhất trong ngành.
Những năm gần đây, thị trường viễn thông truyền thống đang dần bị thu hẹp, các doanh nghiệp viễn thông đều đang tìm cách chuyển đổi để trở thành các công ty công nghệ số.
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang bắt tay xây dựng chiến lược phát triển để tìm ra hướng đi mới, nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và hạ tầng số hàng đầu.
Nhân viên MobiFone đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng.
Theo đơn vị tư vấn Ernst & Young, điểm mạnh của MobiFone là thương hiệu được định vị cao cấp, có danh mục sản phẩm dịch vụ số cạnh tranh, với công nghệ hiện đại và hoạt động bán hàng bài bản, chuyên nghiệp.
Tiếp nối truyền thống tiên phong, đi đầu trong quá khứ, MobiFone đang không ngừng thay đổi, liên tục bứt phá, chuyển mình để trở thành một doanh nghiệp công nghệ.
Dựa trên 5 trụ cột chính là Khách hàng – Sản phẩm – Công nghệ - Vận hành – Năng lực, MobiFone đặt ra những mục tiêu cụ thể cho tới năm 2025 để “Giữ vững viễn thông – Tấn công không gian mới”, phát triển kinh doanh hạ tầng số - nền tảng/giải pháp số - nội dung số, xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh và mạnh mẽ, đón đầu công nghệ để đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có nhiều không gian hơn để sáng tạo.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp; đồng thời, đem đến sự tiện lợi góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng, giúp nâng tầm cuộc sống.
Đó là lý do dẫn đến sự ra đời của hệ sinh thái tài chính số với ví điện tử MobiFone Pay, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ (Mobile Money) hay giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến MobiFone Meeting – 1 trong 35 nền tảng số quốc gia phục vụ phát triển chính phủ số, chính quyền số do Bộ TT&TT công bố.
Có thể thấy, hình hài của một MobiFone mới đang thành hình. Hành trình chuyển đổi đó sẽ không dễ dàng. Nhưng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo của người MobiFone, doanh nghiệp này sẽ đồng hành cùng người Việt không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả tương lai, góp phần thay đổi cuộc sống của mọi người dân và đưa Việt Nam trở thành quốc gia số.