Quê tôi ở tận cuối tỉnh Thái Bình, giáp với Hải Dương và Hải Phòng. Vì là "vùng sâu, vùng xa" nhất của tỉnh nên vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mỗi lần được xem phim ở sân vận động xã là dịp hiếm có. Đội chiếu bóng lưu động của Phòng Văn hoá huyện phải phục vụ đến hơn 30 xã. Như vậy đến lượt xã tôi được xem phim cũng mất ít nhất tháng rưỡi.
Vì thế mỗi lần đi học về thấy cái bảng thông báo màu tím viết bằng phấn trắng, thông báo phim dán ở bức tường uỷ ban xã, lũ trẻ con chúng tôi vui như trảy hội.
Thời bấy giờ, phim chiếu ở sân vận động xã và những cuốn sách đọc đến nhàu nát mượn của các cô giáo trường mầm non là nguồn văn hoá, tri thức duy nhất chúng tôi được tiếp cận. Những năm tuổi thơ ấy, chúng tôi đắm say với Trên từng cây số, Khi đàn sếu bay qua, Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân, Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt,…Màn chiếu phim được dựng lên bằng vải trắng và khung, cọc tre, tựa như màn chiếu projector bây giờ.
Không thể không nhắc đến Ván bài lật ngửa. Bộ phim như cơn mưa rào ào ạt trút xuống những mảnh ruộng khô khát sản phẩm văn hoá giải trí. Người người, nhà nhà ồ ạt kéo đến chật kín sân vận động xã để xem một tập phim. Ngày hôm sau, khắp nơi, trên đường làng, lớp học, dưới những tán cây bác nông dân nghỉ tay hút thuốc lào, đều vang lên câu chuyện xoay quanh chủ đề Nguyễn Thành Luân và những chi tiết trong tập phim tối qua.
Hình ảnh nhà tình báo Nguyễn Thành Luân đi trong rừng cao su giữa bạt ngàn lá rụng.
Ngay ở đoạn generic (giới thiệu) phim, tôi mê mẩn hình ảnh nhà tình báo Nguyễn Thành Luân đội mũ phớt, khoác áo măng tô xuống xe, gương mặt bình tĩnh, lạnh lùng, lãng tử, bước đi trong rừng cao su giữa bạt ngàn lá rụng... Tôi mê đắm những đoạn đối thoại, những cuộc đấu trí cân não của Nguyễn Thành Luân khi đối diện kẻ địch...
Xem đoạn generic ở tập 1 phim Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân cũng có những hình ảnh tương tự. Điệp viên Stirlitz (diễn viên nổi tiếng Vyacheslav Tikhonov thủ vai) đi trong rừng giữa tiết Xuân ấm áp, ngước nhìn đàn sếu từ phương Nam bay về sau những tháng di cư tránh rét.
Có thể đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã bị ảnh hưởng bởi cảnh quay này. Tuy nhiên, Nguyễn Thành Luân vẫn thần thái hơn, toát lên bản lĩnh của điệp viên tình báo giữa trùng điệp vòng vây quân thù; bối cảnh rừng cao su rụng lá ấn tượng và cảm xúc hơn rất nhiều.
Hình ảnh NSƯT Nguyễn Chánh Tín trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Khổ nỗi, bộ phim quay từng tập cuốn chiếu nên chúng tôi cứ phải chờ cả năm mới được xem tập tiếp theo. 8 tập phim, chúng tôi phải đợi chờ xem trong vòng 5 năm mới được xem hết. Vì thế mà cho đến giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in ngày tháng năm xem tập phim nào bởi mỗi tập phim Ván bài lật ngửa chứa đựng sự khát khao mong chờ trong thời gian rất dài.
Hôm nay, Nguyễn Chánh Tín ra đi trong niềm tiếc thương của những người đã xem anh là thần tượng, nhưng ký ức và hình ảnh đẹp về vai diễn sỹ quan tình báo Nguyễn Thành Luân của anh thì sẽ theo mãi chúng tôi bởi đó đã là một phần quan trọng của tuổi thơ, của cuộc đời người hâm mộ anh.