Đầu giờ sáng 27/10 (giờ Việt Nam), trên sàn London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2024 giao dịch ở mức 4.430 USD/tấn, so với thời điểm 1 tháng trước (ngày 28/9) khi giá cà phê ở mức 5.527 USD/tấn, mức cao nhất mọi thời đại thì giá cà phê đã giảm tới 1.097 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2025 giao dịch ở mức 4.411 USD/tấn.
Ở trong nước, giá cà phê cũng trải qua một tháng lao dốc, so với mức giá cao nhất 122.600 đồng/kg tại thời điểm ngày 28/9, hiện giá cà phê đã giảm tới 12.600 đồng/kg khi giao dịch cao nhất ở mức 110.000 đồng/kg.
Giá cà phê trải qua một tháng lao dốc. (Ảnh minh họa)
Lý giải về hiện tượng giá cà phê liên tục giảm mạnh, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, nguyên nhân đến từ việc chênh lệch tỷ giá gia tăng kết hợp cùng thông tin cơ bản về cải thiện mùa vụ tại Brazil.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index giảm 0,36% trong phiên hôm qua, đồng Real của Brazil giảm mạnh hơn khiến tỷ giá USD/BRL tăng (trong khung thời gian cà phê giao dịch). Trong bối cảnh này, thị trường lo ngại nông dân Brazil sẽ đẩy mạnh bán ra do thu về nhiều ngoại tệ hơn, từ đó tạo áp lực giảm giá.
Theo báo cáo của Somar Meteorologia, lượng mưa tại Minas Gerais - bang sản xuất cà phê lớn nhất Brazil đạt 36,8 mm trong tuần trước, cao hơn 15% so với mức trung bình của lịch sử. Điều này giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây trồng và tạo kỳ vọng về việc phục hồi năng suất cho mùa vụ 2025-2026.
Tại thị trường nội địa, cà phê Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới, vì thế nguồn cung cũng được cải thiện tăng đáng kể. Điều này là nguyên nhân chính khiên giá nội địa liên tục giảm sâu.
Cũng chung nhận định về tình trạng giá cà phê liên tục giảm mạnh, Hiệp hội Cà phê - Ca cao cho biết, ngành cà phê toàn cầu trải qua nhiều khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng. Khô hạn và nắng nóng kéo dài từ đầu vụ, mưa bão cuối vụ.
Bất ổn chính trị, chiến tranh, cấm vận cục bộ giữa Nga và Ukraine, Israel và Dải Gaza, cùng nhiều nơi khác trên thế giới với diễn biến kéo dài tiếp tục tác động đến khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Giảm mạnh nhưng cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái
Tại thị trường nội địa, dù liên tục giảm mạnh trong 1 tháng qua, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200 - 61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê tăng hơn 40.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.
Năm 2024, giá cà phê tăng cao liên tục gây khó khăn và rủi ro nhiều cho việc thu mua thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Lần đầu tiên giá cà phê robusta trên sàn giao dịch London ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê Robusta còn cao hơn cả cà phê Arabica.
Tại Việt Nam giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Đây là lý do sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.
Giá cà phê tăng quá nhanh trong khi nguồn cung hạn chế khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng giao đúng hạn, đối tác, nhà thu mua, rang xay phản ứng tiêu cực. Tới thời điểm hiện tại, giá cà phê đã hạ nhiệt nhưng tình hình thị trường niên vụ 2024 – 2025 sắp tới vẫn khó dự báo.
Hiện các vùng trồng cà phê của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Trà Mi. Cơn bão có thể gây ra mưa lớn trên khắp các khu vực sản xuất cà phê Robusta của Việt nam, đặc biệt đối với các vùng thuộc phía Bắc Tây nguyên.
Thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để dự đoán tác động đến các khu vực trồng cà phê nhưng dự báo mưa lớn có thể làm rụng trái và gián đoạn các hoạt động thu hoạch đang diễn ra.
"Những điều này có thể ảnh hưởng mạnh tới sản lượng cà phê trong thời gian tới. Do đó, mức giá dù giảm nhưng so với cùng kỳ các năm vẫn đang duy trì ở mức cao. Do đó, người nông dân có thể yên tâm tái cơ cấu vùng trồng của mình để có được thu nhập tốt từ trồng cà phê", chuyên gia khuyến cáo.