Phát hiện lăng quăng ở vật dụng trong một trường học.
Chị Đỗ Thị Loan, người ở trọ tại Tổ 125 cho biết, nhà chị cạnh vài ngôi mộ, nên thi thoảng vẫn tìm và lật úp các chai lọ nếu có. Nhà chị Loan không có thói quen ngủ mùng (màn), nên khi biết trong khu vực có người tử vong do sốt xuất huyết, gia đình chị có mua thêm bình xịt muỗi. Nhưng chị cũng hiểu, một mình chị phòng tránh như vậy là chưa đủ khi bà con xung quanh còn thờ ơ.
Xã Thới Tam Thôn có 115 ca mắc sốt xuất huyết và đã có 1 trường hợp tử vong. So với số ca mắc trong quý 2 năm 2021 thì con số này tăng gần gấp 3,5 lần. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã xử lý 15 ổ dịch.
Bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch xã Thới Tam Thôn cho biết, hiện xã có 86 điểm nguy cơ, trong đó đã đi giám sát được 51 điểm. Xã cũng đã yêu cầu người dân ký cam kết không để phát sinh lăng quăng tại 68 điểm, bao gồm cả công trình xây dựng trong gia đình.
Tuy nhiên, theo bà Nhung, khó khăn của địa phương là do địa bàn quá rộng, nhiều người dân nhập cư, một bộ phận không nhỏ người dân đi làm từ sáng sớm đến tối muộn về, không quan tâm đến thực tế công tác chống dịch và tình hình xung quanh. Hiện nay xã đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi nhận thức của người dân, tuy nhiên rất lo ngại nguy cơ bùng phát dịch.
Môi trường sống không được dọn dẹp sạch sẽ là nơi cư ngụ của muỗi vằn.
Bà Lê Thị Hồng Nhung nói: “Đánh giá nguy cơ bùng phát thì hiện nay cũng đang lo. Sau khi có ca bệnh sốt xuất huyết tử vong được báo về địa phương thì xã đã đi giám sát trong vòng bán kính của ổ dịch. Đánh giá sơ bộ thì thấy có hai điểm nguy cơ nữa nên cũng hơi phức tạp”.
Nguy cơ bùng dịch hiện hữu
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hóc Môn có 47 ổ dịch với 773 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 5 của TP.HCM. Toàn huyện có 53 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11/12 xã.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn chia sẻ, huyện có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi hoặc tưới cây... tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để kéo giảm dịch bệnh dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Sở Y tế…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế đã dự báo từ trước về tình hình dịch sốt xuất huyết, cho đến bây giờ thì nguy cơ bùng dịch đã hiện hữu. Cụ thể là số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021. Mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại thành phố, thế nhưng các dấu hiệu năm nay cho thấy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.
Nhiều hũ đựng thức ăn cho gà trở thành vật chứa nước phát sinh ổ lăng quăng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng nhìn nhận, vẫn còn sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của địa phương trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Quá trình kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng, trong đó có cả trường học.
"Sở Y tế cũng đã tập huấn cho hệ thống y tế, nhưng chúng tôi cũng đề nghị UBND các quận, huyện phải tập huấn Nghị định 117 về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Chúng ta vừa vận động thuyết phục, yêu cầu những nơi mà chưa tốt phải cam kết, nếu tái kiểm tra mà vẫn vi phạm thì chúng tôi cũng đề xuất địa phương phải có những xử lý xử phạt theo quy định”.
Ngành Y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay điều trị sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa, nhưng cách phòng ngừa đơn giản là người dân chỉ cần loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi, không để muỗi sinh sôi nảy nở. Mỗi gia đình nên thường xuyên dành 20-30 phút mỗi tuần để kiểm tra, dọn dẹp tất cả các đồ dùng chứa nước và dùng các biện pháp để không bị muỗi đốt, phải ngủ mùng, kể cả ban ngày.