Nghi lễ hiến tế tại núi lửa Bromo, bang Probolinggo, Indonesia là một nghi lễ tôn giáo có lịch sử kéo dài hàng thế kỷ. Đây là một phần của lễ hội Yadnya Kasada, người tham gia sẽ dâng lên các lễ vật gồm gạo, trái cây, vật nuôi,… nhằm cầu xin thần linh ban phước.
Hàng năm, những người thuộc bộ tộc Tengger sống tại các vùng cao xung quanh núi lửa Bromo sẽ tập trung lại để ném trái cây, rau, hoa và một số loại gia súc, điển hình là dê và gà, vào miệng núi lửa.
Những người đến núi Bromo dâng lên các lễ vật gồm gạo, trái cây, vật nuôi,… nhằm cầu xin thần linh ban phước. (Ảnh: Getty Images)
Năm nay, các tín đồ lại mang theo lễ vật hướng về đỉnh núi với hy vọng làm hài lòng tổ tiên và các vị thần Hindu, cầu mong thần linh sẽ mang lại thịnh vượng cho bộ tộc của họ.
“Hôm nay tôi mang một con gà để cúng tổ tiên”, ông Purwanto, một người tham gia nghi lễ, cho biết.
“Tôi mang theo cây trồng để cầu cho ruộng của tôi được phì nhiêu và mùa màng bội thu. Năm nào tôi cũng tới cầu nguyện”, ông Wantoko, một người Tengger khác tới núi Bromo nói.
Nghi lễ hôm 26/6 đánh dấu lễ hội Yadnya Kasada thứ hai kể từ khi đại dịch COVID-19 tràn vào Indonesia.
“Nghi lễ này không thể được tổ chức ở một nơi khác hoặc thực hiện trực tuyến. Nhưng ban tổ chức đều đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 và đưa ra các quy tắc về sức khỏe nghiêm ngặt để chúng tôi có thể bảo vệ tất cả những người tham dự”, ông Bambang Suprapto, người đứng đầu cộng đồng người Hindu của khu vực, cho biết.