Giáo sư Dituri sống trong một ngôi nhà nằm dưới đáy một đầm phá sâu hơn 9m ở Key Largo, Florida, Mỹ.
Hàng ngày vị giáo sư ăn một bữa ăn giàu protein gồm trứng và cá hồi được chế biến bằng lò vi sóng, tập thể dục với dây kháng lực, chống đẩy hàng ngày và chợp mắt một giờ.
Không giống như tàu ngầm, căn nhà này không sử dụng công nghệ để điều chỉnh áp suất dưới nước tăng lên.
Giáo sư Dituri trong căn nhà nằm ở đáy một đầm phá sâu hơn 9m.
Năm 2014, hai giáo sư người Tennessee, Mỹ là Bruce Cantrell and Jessica Fain ghi kỷ lục thế giới 73 ngày, hai giờ, 34 phút ở dưới nước.
Nhiệm vụ của Giáo sư Dituri, được mệnh danh là Dự án Neptune 100, sẽ kết thúc vào ngày 9/6 sau khi ông trải qua 100 ngày dưới nước.
"Kỷ lục này chỉ là một cú hích nhỏ và tôi thực sự đánh giá cao điều đó. Tôi vinh dự khi đạt kỷ lục thế giới mới ở dưới nước nhưng chúng ta còn nhiều những dự án khoa học khác phải nghiên cứu", giáo sư Dituri, giảng viên Đại học Nam Floria nói.
Nghiên cứu của ông bao gồm các thí nghiệm hàng ngày về sinh lý học để theo dõi cách cơ thể con người phản ứng với việc tiếp xúc lâu dài với áp lực cực độ.
"Ý tưởng ở đây là tạo ra nơi cư trú trên các đại dương, quan tâm tới biển bằng cách sống ngay trong lòng đại dương và đối xử với đại dương thật tốt", giáo sư Dituri, người được đặt tên là Tiến sĩ Biển sâu nói.
Giáo sư Dituri vẫn giảng dạy trong 74 ngày sống dưới nước.
Phần tiếp cận cộng đồng trong dự án của giáo sư Dituri bao gồm tổ chức các lớp học trực tuyến và phát sóng các cuộc phỏng vấn từ studio kỹ thuật số của ông trong ngôi nhà dưới nước.
Trong 74 ngày qua, giáo sư Dituri đã tiếp cận hơn 2.500 sinh viên thông qua các lớp học trực tuyến về khoa học biển và các khóa học kỹ thuật y sinh thường xuyên của mình tại Đại học Nam Florida.
Trong thời gian sống dưới nước, chỉ có một điều duy nhất khiến vị giáo sư này nhớ tới đó là mặt trời. "Cái khiến tôi nhớ nhất khi sống trên mặt đất là mặt trời. Mặt trời là yếu tố chính trong cuộc sống của chúng ta" - ông Dituri nói.