Theo công ty Uswitch (chuyên trang dịch vụ so sánh giá có trụ sở tại Vương quốc Anh), tính đến tháng 7, các khoản nợ năng lượng đã cao hơn gấp đôi so với mức dự toán đến tháng 9. Khoảng 6,5 triệu hộ gia đình nợ trung bình 206 bảng Anh (252 USD).
Kể từ năm 2018, khi Anh bắt đầu áp dụng giới hạn giá, các khoản nợ hộ gia đình đã giảm dần trong mùa hè. Tuy nhiên, năm nay, số nợ đã tăng 10% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 do giá khí đốt và điện tăng cao.
Hoá đơn năng lượng tăng cao khiến dân Anh đối mặt nhiều khó khăn. (Ảnh: Getty)
Justina Miltienyte, người đứng đầu bộ phận chính sách của công ty Uswitch cho biết: “Nợ năng lượng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và đợt tăng giá năng lượng vào mùa đông năm nay được dự báo sẽ đẩy nhiều hộ gia đình vào tình thế khó khăn".
“Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang bóp nghẹt ngân sách. Điều này diễn ra ngay cả trong những tháng mùa hè, khi các gia đình phải vật lộn với hóa đơn gia tăng trong mọi lĩnh vực", Justina Miltienyte cho biết thêm.
Đầu năm nay, các nhà cung cấp năng lượng tại Anh cảnh báo về số lượng khổng lồ khách hàng không thanh toán hóa đơn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ khi giá khí đốt bán buôn tăng hơn gấp đôi tại nước này. Điều này khiến hàng triệu người phải vật lộn để thanh toán hóa đơn trong mùa đông năm nay.
Để đối phó với khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Anh vạch ra kế hoạch năng lượng khẩn cấp. Theo đó, công dân có thể được yêu cầu tắt đèn và tắt điều hòa để tránh mất điện trong mùa đông này.
Kế hoạch này sẽ được ban hành trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung cấp điện hoặc khí đốt, người dân Anh cũng sẽ được yêu cầu cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Nước Anh cũng đang đứng trước nguy cơ mất điện diện rộng vì nắng nóng. Giới phân tích cảnh báo đợt nắng nóng gay gắt vừa qua đã suýt gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng do các nhà điều hành lưới điện chật vật cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu.
Không chỉ Anh, EU cũng đang phát triển các kế hoạch chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. EU đã đề nghị tất cả các nước thành viên cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên 15% từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Quyết định của EU được đưa ra do lo ngại lượng khí đốt dự trữ sẽ không đủ cho mùa đông tới, nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung cấp cho châu Âu.