Nhìn thăm thẳm vào núi rừng Kbang (Gia Lai) trong chiều muộn, khi tiếng chiêng của lũ làng đang ngân lên khúc giao tấu đón khách giữa bập bùng lửa, Đinh A Ngưi, 40 tuổi, người Ba Na, tỏ ra trầm ngâm.
Tiếng chiêng này, tiếng trống này, tiếng đàn ông đàn bà hát dân ca vốn đã sẵn trong máu A Ngưi, như bao người Ba Na khác ở Tây Nguyên. Khi tiếng nhạc cụ vang lên, là cái tay phải gõ, cái chân phải bước theo nhịp điệu, A Ngưi bảo thế.
Người dẫn đường ở xứ núi
Nước da đen giòn rắn rỏi, giọng nói trầm và vang, A Ngưi hòa vào đội cồng chiêng của làng mình, cùng diễn tấu để phục vụ du khách trong chính homestay anh dày công xây dựng. Điền trang này của anh, nhưng thực ra cũng là của tất cả người làng. Bao năm trời, dòng máu Ba Na chảy rần rật trong người A Ngưi cùng những đăm đắm huyền thoại, của những giai điệu dân ca Hơ Amon, Hơ Achoi đang dần phai nhạt rồi bị lãng quên khi chẳng còn ai hát, chảng còn mấy ai biết chơi đàn gong, khi cây nứa, dây buộc dàn cho đàn T’rưng nước đêm ngày rỉ rả cất tiếng cũng dần vắng trên suối, cõi Mang Lung cũng mang đi nhiều người già biết nhiều bài chêng. Trái tim A Ngưi đau thắt như ai đó bóp nghẹt hằng đêm.
A Ngưi làm văn hóa, muốn bảo tồn văn hóa, muốn sống được bằng văn hóa, không chỉ cho mình, mà muốn cho cả lũ làng nữa.
Nhiều năm trước, khi ấy A Ngưi còn công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang. Trong những lần dẫn tour cho khách du lịch ghé thăm Kbang, thấy khách muốn được trải nghiệm và khám phá thêm về Tây Nguyên, A Ngưi nhận ra phải làm gì đó để níu giữ du khách, đồng thời quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na. A Ngưi nhìn cách làm của nhiều người khác, nhìn cách bảo tồn văn hóa và sống được nhờ di sản của nhiều nơi khác, mà cứ đau đáu cho làng mình.
Đinh A Ngưi
"Phải làm cái gì đó", A Ngưi quyết tâm thế. Người nhà và cả lũ làng tròn mắt khi A Ngưi quyết tâm xây dựng làng du lịch. Những đôi bàn tay Ba Na nghìn đời qua vốn chỉ quen trỉa lúa trồng ngô, quen chặt cây đốt củi, những cái tay ấy đâu có biết làm du lịch. Lũ làng nghi hoặc, nhìn lên đỉnh núi Kông Lơng Khơng mà than thở. Nhưng, A Ngưi đã quyết. Quyết không chỉ cho mình, mà quyết cho cả làng.
Thế là A Ngưi thuyết phục gia đình, gom góp tiền dựng những ngôi nhà sàn theo đúng lối sống người Ba Na, dựng thêm nhiều lều trại bằng tranh tre dân dã, thiết kế những tour khám phá văn hóa bản địa, các tour trải nghiệm thiên nhiên. Một mình A Ngưi lần mò khảo sát các tuyến đường đi thác Hang Dơi, thác Hang Én hay suối Đắk Lốp, thác Kon Lok... đều là những ngọn thác đồ sộ bên cạnh rừng nguyên sinh rậm rạp những cổ thụ thẳng tắp, di tích huyền thoại cánh đồng Cô Hầu (người vợ Ba Na) của vua Tây Sơn, hay làng kháng chiến Stơr của anh hùng Núp, hay làng Chiêng đậm chất Ba Na... Khảo sát xong, A Ngưi lên lịch trình tour tuyến và chính anh cũng là hoa tiêu, hướng dẫn viên cho du khách khám phá những điều kì bí và vẻ đẹp tự nhiên nơi đây.
Cái xem đã có rồi, còn cái ăn, cái chơi, cái mang về... phải làm sao cho du khách ai cũng hào hứng và thích thú, ai cũng muốn đến và lúc về phải vấn vương, lưu luyến. A Ngưi nghĩ mãi, lũ làng vẫn còn nhiều người biết đến những bài chiêng cổ, những bài dân ca Hơ Amon, Hơ Achoi, thổ cẩm vẫn còn nhiều người dệt, đan lát vẫn còn nhiều người quen tay, làng có nhiều gà, nhiều heo, nhiều trâu bò, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu... đến cả căn nhà rông tre nứa nhỏ đẹp, với những đường lượn hoa văn như sóng nước ở làng, hay những chiếc bẫy săn thú thuở xưa phục dựng ở vườn đổ gãy. A Ngưi chép miệng: Những cái đó đều là di sản. Đã được học, là người có chữ, A Ngưi biết di sản không phải chỉ là cái vô hình, mà còn có cả những vật chất dù nhỏ, nhưng gom góp lại sẽ tạo thành một tổng thể và có thể khai thác được.
Thế là A Ngưi đứng ra vận động lũ làng, văn hóa đó, gà vườn, rau rừng, cá suối... cùng lũ làng xây dựng lên làng du lịch cộng đồng. Một người theo, rồi nhiều người theo. Những người đàn ông, đàn bà, ngay cả trẻ nhỏ cũng hào hứng theo cách A Ngưi dẫn bước. Một tay A Ngưi cắt đặt công việc, từ xây dựng những khu nghỉ ngơi cho khách, dựng lại khuôn viên làng cho đậm chất Ba Na, tới việc tìm tòi và tập những bản chiêng, những bài dân ca, cắt đặt người nào ra việc đó, sắp xếp thời gian, lên lịch tour tuyến để du khách có thể trải nghiệm tốt nhất văn hóa và cả thiên nhiên của vùng đất này.
A Ngưi và người làng phục dựng nhiều lễ hội văn hóa của người Ba Na để phục vụ du khách
Vừa quảng bá, vừa bảo tồn
Từ năm 2019, khi bắt đầu làm du lịch, đôi chân của người đàn ông Ba Na ấy dường như không biết mỏi, in hằn khắp núi rừng Kbang. Làng Kgiang dưới chân ngọn núi Kông Lơng Khơng bây giờ đã có một ngôi làng du lịch như thế. Ngày đón những lượt khách đầu tiên, những gia đình tham gia phục vụ, từ bán con gà, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu, hay mặc trang phục dân tộc diễn tấu chiêng đều có thù lao bằng hoặc hơn hẳn một ngày đi làm rẫy thuê. Rồi những người phụ nữ trong nhà giữ nghề dệt thổ cẩm, chế ra những chiếc túi lớn nhỏ, dải băng quấn đầu, những bộ trang phục để khách đến thích thì mặc chụp hình hay mua về làm quà, cũng có khi gom góp mấy đồ mây tre đan của người già mang đến trưng bày để giới thiệu với du khách. Rồi tập hợp người làng bàn cách làm những món ăn dân dã từ heo, gà nhà, cá suối, rau vườn. Điều quan trọng nhất, là kéo được cả cộng đồng cùng làm để ai cũng có thu nhập, ai cũng có niềm tin vào công việc.
Tại nhà sinh hoạt chung, A Ngưi bài trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Ba Na: Cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt... Du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, cà đắng, cùng các nghệ nhân đan gùi, dệt váy áo; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi... hay được trải nghiệm vào rừng khai thác mật ong, hái rau, bắt cá suối...
Du khách khắp nơi nghe tiếng dần tìm đến ngày một đông. Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh vừa qua cũng khiến điểm du lịch của A Ngưi chật vật vì phải tạm đóng cửa. Trong thời gian ấy, anh đã hoàn thành đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng Kgiang. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt mở ra bức tranh chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên quê hương anh hùng Núp. Đây không những là điểm nhấn du lịch cộng đồng của huyện Kbang mà còn là mô hình kiểu mẫu về tổ chức sản xuất; giúp đồng bào bản địa phát triển kinh tế ổn định, bền vững, phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Từ ngày có A Ngưi làm du lịch mà cả làng được nhờ. Người làng ngoài việc lo chuyện đồng áng, về nhà lại biết trồng thêm vườn rau, nuôi thêm con gà, con heo. Khi rảnh rỗi, họ lại tụ về nhà rông để tập luyện cồng chiêng phục vụ du khách. Già làng Đinh Plich phấn khởi: “Mới đầu, người làng không tin A Ngưi làm được nhưng sau này thấy khách đến đông nên ai cũng hào hứng, chỉ cần A Ngưi gọi là có mặt. Nhờ A Ngưi mà dân làng có thể phục dựng nhiều nét văn hóa quảng bá đến khách du lịch, lại có thêm thu nhập lo cho gia đình”.
Đội chiêng nữ phục vụ du lịch của làng Kgiang
“Người Ba Na mình có âm thanh của chiêng, đàn T’rưng.. hay thế, giàu có thế. Đẹp cả từ căn nhà rông đến bộ váy áo nữ. Ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối, cơm ống nứa, mà còn thơm cả mùi vị cả những trái bí, trái bầu, nắm rau rừng... làm sao để gìn giữ? Tôi muốn đưa văn hóa của người Ba Na đến gần hơn với bạn bè bốn phương. Vì muốn giữ văn hóa nguyên bản, sự mộc mạc của con người Tây Nguyên, tôi chọn du lịch cộng đồng để vừa quảng bá, vừa bảo tồn theo kiểu “lấy di sản nuôi di sản”, A Ngưi nói.