Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngồi chéo chân có tốt không?

(VTC News) -

Ngồi chéo chân có tốt không là băn khoăn của nhiều người.

Ngồi vắt chéo chân là tư thế quen thuộc của rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Tuy nhiên ngồi tư thế này lâu dài có thể gây nhiều tác động nghiêm trọng đến vùng cổ, lưng, hông, gối, tư thế, dáng đi, nhất là người bị suy giãn tĩnh mạch.

Lệch vẹo khung chậu và đau

Hậu quả rõ nhất là bất đối xứng khung chậu hay khung xương chậu bị lệch, từ đó kéo theo hiện tượng chân ngắn chân dài và vẹo cột sống, lệch vai cùng bên với chân hay gác bên trên.

Nếu duy trì tư thế ngồi bắt chéo chân thành thói quen, các dây chằng, các khớp chậu hông thắt lưng phải căng ra để giữ tư thế đó. Đồng thời, các khối cơ lưng chậu hông đùi sẽ điều chỉnh cho phù hợp trạng thái mới, dẫn đến sự mất cân bằng, gây đau âm ỉ vùng thắt lưng chậu, đau khớp gối.

Nguy cơ thoái hóa khớp

Bắt chéo chân có thể gây áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối. Dây thần kinh này cung cấp cảm giác cho cẳng chân và bàn chân gây tê bì.

Khi vắt chéo hai chân, lưu lượng máu xuống các khớp ở chân cũng bị giảm hẳn, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô. Khớp gối bị đè ép sai tư thế một cách cố định trong thời gian dài, vừa làm tăng áp lực lên sụn khớp lại gây căng giãn hệ thống dây chằng, dẫn đến nguy cơ thoái hóa khớp gối hay cổ chân.

Ngồi chéo chân trong thời gian dài có thể gây hại cho cơ thể. (Ảnh minh hoạ)

Nguy cơ lên hệ tuần hoàn

Khi chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc sẽ bị chèn ép lại, dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến cơ thể tăng huyết áp để đẩy máu đi.

Tư thế này còn khiến máu trong các tĩnh mạch có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch. Những người bị bệnh lý này khi ngồi vắt chéo chân sẽ khiến bệnh càng thêm trầm trọng, gây mất thẩm mỹ vì tạo ra các vết chằng chịt ở bề mặt da vùng đùi, cẳng chân.

Đau lưng và đau cổ 

Phần hông hơi xoắn lại khiến khung chậu mất thăng bằng, từ đó gây áp lực lên cột sống và dẫn đến các cơn đau. Ngồi bắt chéo chân liên tục hàng ngày, hàng tuần là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng, cổ và thoát vị đĩa đệm

Tư thế này ngăn cản bạn ngồi thẳng người lên. Thay vào đó, nó buộc sống lưng phải duy trì một điểm cong nhất định. Qua thời gian dài, điều này có thể gây căng thẳng và biến dạng cột sống.

Suy tĩnh mạch 

Nhiều chuyên gia nhận định hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện bị gây ra bởi gene, ánh nắng và đứng quá lâu. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng ngồi bắt chéo chân cũng có thể là một nguyên nhân.

Bình thường những van nhỏ trong mạch máu giúp ngăn cản máu bị chảy sai hướng, nhưng nếu các van này bị yếu đi, máu có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là tĩnh mạch bị giãn.

Việc bị giãn tĩnh mạch có thể bị ảnh hưởng do ngồi bắt chéo chân, vì ở tư thế này lâu làm tăng sức cản máu về tim, gây giãn tĩnh mạch.

Ngồi bắt chéo chân làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch chịu trách nhiệm bơm máu về tim. Áp lực này làm cản trở sự lưu thông máu và có thể làm yếu đi hoặc tổn thương các tĩnh mạch ở chân, khiến máu bị rò rỉ gây nên hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện cùng các vấn đề sức khỏe khác.

"Tĩnh mạch mạng nhện" là những mạch máu nhỏ li ti dài khoảng vài milimet hoặc vài centimet được nhìn thấy như hình mạng nhện ngay dưới bề mặt da trông sẽ mất thẩm mỹ. Nếu không muốn điều đó, mọi người đặc biệt là phụ nữ hãy từ bỏ thói quen không tốt này

Tổn thương dây thần kinh 

Dây thần kinh hông là dây hỗn hợp lớn nhất của cơ thể. Mọi áp lực gây ra bởi tư thế ngồi bắt chéo chân đều có thể khiến dây thần kinh hông bị tê, thói quen này kéo dài lâu dần có thể dẫn đến tổn thương

Ngồi vắt chéo chân là thói quen của nhiều người. (Ảnh minh hoạ)

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

Đối với nam giới, khi ngồi bắt chéo chân làm cho nhiệt độ bên trong chân và xung quanh bộ phận sinh dục tăng cao, ảnh hưởng tới sự hình thành của tinh binh.

Ngồi bắt chéo chân là thói quen không tốt, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh tật. Tư thế tốt nhất khi ngồi là đặt 2 chân lên sàn nhà để cân bằng trọng lượng cơ thể.

Khi muốn thay đổi tư thế, thay vì vắt chéo chân, chỉ cần dịch cả hai chân sang một bên hoặc nhẹ nhàng bắt chéo chân ở mắt cá.

Theo các bác sĩ và chuyên gia, nếu bắt buộc phải bắt chéo chân khi mặc váy, phụ nữ nên làm điều này ở vị trí mắt cá chứ không phải đầu gối. Tư thế này cắt giảm đáng kể nguy cơ gây hại về sức khỏe mà họ gặp phải. Ngoài ra, bất cứ một tư thế ngồi nào nếu nó được duy trì quá lâu cũng sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn. Đôi chân thỉnh thoảng cần được di chuyển qua lại để máu dễ dàng lưu thông hơn.

Thanh Hoa (tổng hợp)

Tin mới