Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, Ngoại trưởng Ri Son-gwon đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8. Lần cuối cùng ông Ri xuất hiện công khai là tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 19/8.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức ở Seoul cho biết họ đang "theo dõi sát sao" các diễn biến ở Bình Nhưỡng liên quan tới vấn đề này.
"Vẫn chưa có thông báo chính thức, nhưng chúng tôi sẽ theo sát tình hình liên quan", Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay. Bộ này nói thêm rằng ông Ri vẫn đang tiếp tục các hoạt động của mình trong vai trò Ngoại trưởng.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon. (Ảnh: Stripes)
Ông Ri được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Triều Tiên vào tháng 1. Ông nổi tiếng là người cứng rắn trong những cuộc đàm phán liên Triều.
“Ông Ri Son-gwon là nhà đàm phán cứng rắn, không thỏa hiệp và từng rời khỏi phòng họp ngay giữa cuộc đàm phán quân sự với Hàn Quốc năm 2014. Khi đó, phía Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về những hành động mà Seoul xem là sự khiêu khích quân sự trước đây”, một cựu quan chức Hàn Quốc từng gặp ông tiết lộ.
Ở thời điểm đó, việc bổ nhiệm ông Ri được coi là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng hướng tới chính sách ít hợp tác hơn với Seoul và Washington trong bối cảnh Triều Tiên thất vọng khi các cuộc đàm phán bị đổ vỡ.
Theo Chosun Ilbo, ông Ri - một cựu đại tá quân đội chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề liên Triều trước khi ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Nhưng cách tiếp cận cứng rắn của ông có thể làm suy yếu nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc thúc ép Mỹ nhượng bộ.
Ông Biden từng nhiều lần nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên bất chấp một số chuyên gia cho rằng đây là một mục tiêu rất khó đạt được.
Cựu Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk cho rằng việc bổ nhiệm ông Ri để thể hiện lập trường cứng rắn của Triều Tiên hơn là quan tâm đến các cuộc đàm phán sâu hơn với Washington.
"Giờ đây, chính quyền khả năng sẽ thay thế ông bằng một người có thể nói chuyện với Mỹ", ông Kim cho hay.
Trong chiến dịch tranh cử, dù nhiều lần nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông Biden khẳng định sẽ cứng rắn với Bình Nhưỡng hơn những gì mà ông Trump đã làm.
Dưới thời chính quyền Obama mà ông Biden làm phó Tổng thống, giới chức Mỹ chọn cách tiếp cận "kiên nhẫn", chờ đợi và hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.