Theo Thời báo Hoàn Cầu, trả lời phỏng vấn trong một chương trình truyền hình của đài CNN ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gây tranh cãi khi bày tỏ sự đồng tình với tuyên bố từ một quan chức Nhà Trắng cho rằng "Trung Đông ngày nay yên bình hơn trước", trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong buổi phỏng vấn trên đài CNN. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Khoảng gần 10 ngày trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra nhận xét rằng "Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với 20 năm trước".
Khi được người dẫn chương trình hỏi về nhận xét trên của ông Sullivan, Ngoại trưởng Blinken thẳng thẳn trả lời: "Sullivan đã đúng".
Ông Blinken thừa nhận hiện tại những thách thức khu vực vẫn còn, như chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, căng thẳng giữa Israel và Palestine, nhưng cho biết thời gian ông dành cho tình hình Trung Đông đã ít hơn nhiều so với bất kỳ người tiền nhiệm nào trong khoảng thời gian sau "sự kiện 11/9".
"Nếu nhìn vào mối quan hệ giữa các nước ở Trung Đông, các bạn sẽ thấy rằng nhờ nhiều nỗ lực của Mỹ, các nước trong khu vực đang xích lại gần nhau hơn, khu vực trở nên hội nhập hơn và sự thù địch giảm đi đáng kể.
Ví dụ dựa trên những kết quả đã đạt được, Israel đã và đang bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, bao gồm cả Ả Rập Xê-út. Và cả các cuộc xung đột khác, như cuộc xung đột ở Yemen đã đình chiến được gần hai năm", Ngoại trưởng Mỹ nói trong chương trình.
Ông Blinken nói thêm rằng Mỹ vẫn hết sức quan ngại về căng thẳng giữa Israel và Palestine, nhưng nhấn mạnh "Hamas là một tổ chức khủng bố" và cuộc tấn công 24 giờ qua "chỉ là một cuộc tấn công khủng bố".
Ông nói: "Những gì xảy ra trong 24 giờ qua không biến thành xung đột giữa các quốc gia. Sullivan đã đúng khi nói rằng xung đột (khu vực Trung Đông) đã lắng xuống. Đây chỉ là một cuộc tấn công khủng bố của một tổ chức khủng bố".
Cuối cùng, ông Blinken một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel: "Ngay bây giờ, trọng tâm là giúp đỡ Israel và đảm bảo rằng họ có đủ điều kiện để đáp trả cuộc tấn công này".
Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/10 đã lên án “các cuộc tấn công khủng bố” của Hamas. Ông khẳng định sẽ hỗ trợ Israel “vững chắc như đá” và Mỹ sẽ "cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho Israel, quốc gia có quyền tự vệ”.
Sau cuộc thảo luận với ông Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin ngày 8/10 thông báo Lầu Năm Góc đang điều một nhóm tàu quân sự, máy bay chiến đấu tới các khu vực gần Israel, đồng thời cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Israel các thiết bị và nguồn lực bổ sung, bao gồm cả đạn dược, để nâng cao "thế trận và khả năng răn đe trong khu vực".
Người phát ngôn của Hamas, Hazem Qasim, ngay sau đó chỉ trích việc Mỹ phái một nhóm tàu quân sự tới phía đông Địa Trung Hải là đang tham gia vào "một cuộc xâm lược chống lại người Palestine", nhấn mạnh "những hành động này sẽ không đe dọa người dân của chúng tôi hoặc ngăn cản sự phản kháng của họ, và họ sẽ tiếp tục bảo vệ con người cùng các thánh địa của chúng tôi".
Khói bốc lên tại nhiều nơi ở khu vực miền nam Israel sau cuộc tấn công từ lực lượng Hamas ngày 7/10. (Ảnh: Reuters)
Israel và phong trào Hamas nổ ra ngày 7/10 và vẫn đang tiếp diễn trong ngày 9/10, khi quân đội hai bên giao tranh ác liệt ở Dải Gaza và các khu vực khác. Theo nhiều phương tiện truyền thông quốc tế, số người chết ở phía Israel đã vượt quá 700 người, trong khi các quan chức Gaza ghi nhận hơn 400 người thiệt mạng. Ngoài ra, mỗi bên có khoảng 2.000 người bị thương.
Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 8/10 cho biết ông sẽ "san bằng" các khu vực do Hamas kiểm soát, nhưng thừa nhận rằng đất nước ông sẽ phải đối mặt với một "cuộc chiến lâu dài và khó khăn" trong tương lai.
Cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh chóng trước đợt xung đột bạo lực giữa Israel và Hamas. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres và nhiều nước đã lên tiếng, kêu gọi nỗ lực ngoại giao để tránh xung đột mở rộng.