Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva sẵn sàng hợp tác cùng Mỹ hoặc với Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm cách thức kết thúc xung đột tại Ukraine, hiện đã trải qua 8 tháng từ thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2.
Ông Lavrov nói rằng, giới chức Mỹ, trong đó có cả ông John Kirby - phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhiều lần đổ lỗi Moskva thiếu thiện chí trong khi Washington sẵn sàng đàm phán.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: Reuters)
"Đây là một lời nói dối. Chúng tôi đã không nhận được bất kỳ đề nghị nghiêm túc để liên hệ với phía Mỹ", ông Lavrov nói.
Ông cũng cho biết Nga sẽ không từ chối cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào giữa tháng 11 ở Indonesia và sẽ xem xét đề xuất này nếu Nga nhận được lời đề nghị.
"Chúng tôi nhiều lần nói rằng không bao giờ từ chối các cuộc gặp. Nếu có đề xuất, chúng tôi sẽ xem xét", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Bình luận về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moskva sẵn sàng lắng nghe các đề xuất song không thể nói trước liệu điều đó có dẫn đến kết quả hay không.
Ông Lavrov cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ có cơ hội đưa ra đề xuất với Tổng thống Vladimir Putin khi cả hai đến thăm Kazakhstan trong tuần này.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh hủy các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cho biết, Kiev sẵn sàng đàm phán với Moskva, nhưng với Tổng thống Nga khác, không phải ông Putin.
Moskva và Kiev đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ khi các cuộc thảo luận ở Istanbul kết thúc vào cuối tháng 3. Phía Nga ban đầu bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình, sau đó cáo buộc Ukraine quay lưng lại với tất cả những tiến bộ đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết mất lòng tin vào đoàn đàm phán của Ukraine.
Kể từ khi xung đột diễn ra, ông Zelensky đã nhiều lần đề nghị gặp trực tiếp ông Putin để tìm cách chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo chỉ gặp nhau để ký kết các thỏa thuận cuối cùng, được nhóm đàm phán hai bên đã dự thảo sẵn.