Nói về những kết quả nổi bật của ngành Ngoại giao Việt Nam trong năm 2023, bà Hằng cho biết:
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, được sự lãnh đạo, sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công tác đối ngoại năm 2023 diễn ra sôi động, toàn diện trên mọi trụ cột đối ngoại, đạt hiệu quả cao. Có thể nêu một số điểm nổi bật như sau:
Ta đã có 22 chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Qua các chuyến thăm, chúng ta đã đạt được những kết quả mang tính lịch sử, chiến lược và lâu dài, củng cố và nâng tầm các mối quan hệ song phương. Chúng ta cũng khẳng định vai trò trên các diễn đàn đa phương với việc đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
- Thế còn lĩnh vực kinh tế thì sao, thưa bà?
Ngoại giao kinh tế cũng được triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có đóng góp vào thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao và ODA thế hệ mới, hình thành các khuôn khổ thuận lợi để thu hút nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Nổi bật có thể kể tới việc ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trị giá 220 triệu USD của Tập đoàn Samsung...
Ảnh màn hình 2024-02-05 lúc 12.44.29.png
Công tác đối ngoại đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Nói đến đối ngoại, không thể không nhắc đến công tác người Việt ở nước ngoài…
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã chuyển biến rõ rệt từ tư duy đến hành động, đưa tinh thần “chăm lo”, “trách nhiệm” của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào đi vào đời sống, mang lại những kết quả rất thiết thực và ý nghĩa. Nhiều chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong vấn đề đầu tư, sở hữu tài sản... được kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện. Công tác đại đoàn kết, vận động và phát huy nguồn lực kiều bào được chú trọng, đặc biệt là việc duy trì tiếng Việt và văn hóa được ưu tiên, với việc triển khai Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt” trên toàn cầu.
- Có thể thấy thông tin đối ngoại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thưa bà?
Đúng vậy. Bà con cũng được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, toàn diện hơn, phong phú hơn, hấp dẫn hơn để dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin khách quan về mọi mặt tình hình đất nước. Thông tin đối ngoại được triển khai hiệu quả, duy trì hình ảnh tích cực về Việt Nam trong dư luận quốc tế.
Ngoài ra, công tác ngoại giao văn hóa hoàn thành tốt nhiệm vụ giới thiệu với bạn bè quốc tế truyền thống lịch sử, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác bảo hộ công dân được tiến hành liên tục, thường xuyên, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, ví dụ việc đưa hàng ngàn công dân từ khu vực phía bắc Myanmar bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang về nước an toàn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng thưởng thức trà tại Trụ sở Trung ương Đảng chiều 12/12/2023.
- Năm qua, Việt Nam liên tiếp đón lãnh đạo nước ngoài đến thăm, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các chuyến thăm này mang tới những thông điệp gì, thưa bà?
Các chuyến thăm này mang tới nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt.
Nổi bật là ta đã nâng tầm quan hệ với Trung Quốc; nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với bạn bè truyền thống và các nước láng giềng; củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; thiết lập quan hệ ngoại giao với 3 nước.
Trong khuôn khổ các chuyến thăm, ta đã ký với các đối tác nhiều văn bản quan trọng. Chỉ riêng trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký 36 văn bản.
Hay như việc thiết lập khuôn khổ hợp tác Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore, Đối tác chiến lược xanh với Đan Mạch, Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg, không chỉ nâng tầm quan hệ, củng cố tin cậy chính trị, trực tiếp giải quyết nhiều vướng mắc, tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các chuyến thăm còn đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, văn hóa - thể thao, du lịch, y tế, giao lưu Nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Joe Biden.
- Một năm đầy ăm ắp sự kiện đỉnh cao và sự kiện nào cũng thành công rực rỡ. Bà có thấy năm tới sẽ là năm hết sức áp lực đối với ngành ngoại giao?
Năm 2024, công tác đối ngoại sẽ tập trung vào khai thác, phát huy những khuôn khổ quan hệ song phương đã được thiết lập; triển khai những thỏa thuận đã được ký kết, đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; chủ động tích cực, phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, qua đó phục vụ cho lợi ích của đất nước.
Chúng ta sẽ đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; Khai thác hiệu quả các thỏa thuận đã có, các khuôn khổ quan hệ mới để mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội mới, đối tác thương mại mới, nguồn đầu tư chất lượng cao; Chủ động nghiên cứu, tham mưu thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới, qua đó tranh thủ hiệu quả hơn nữa nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.
- Và chắc chắn ngoại giao không thể tách rời quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc…
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ngăn ngừa các nguy cơ từ sớm, từ xa, đồng thời thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ với các nước; Kiên quyết đấu tranh, phản bác những hành vi, thông tin xâm phạm chủ quyền biên giới, lãnh thổ của đất nước.
Sẽ có sự đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài để phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” đang gia tăng của dân tộc và củng cố niềm tin, đồng thuận của đồng bào trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!