Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngộ độc, suy thận vì cứ uống thuốc nam không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, khoa thận ở Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều người bị suy thận do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Trẻ em bị ngộ độc dẫn đến liệt, kém phát triển. Phân biệt giữa dược liệu giả và thật bằng cách nào?

Nhiều tai nạn 
vì thuốc nam

Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, khoa thận - tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận từ 3-4 người bệnh bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Thường những người bệnh này tiên lượng rất khó khăn, phụ thuộc vào tình trạng nhiễm độc của người bệnh.

 Có người nhiễm độc nhẹ, được thải độc, hết suy thận; nhưng có những người nhiễm độc nặng dẫn tới suy đa tạng, điều trị rất khó khăn, tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề như suy thận mãn…

Thử thỏ ty tử, vị hay dùng nhằm bổ thận, trị tiểu đêm nhiều... bằng cách ngâm vào cốc nước. Theo hướng dẫn của bà Phương, thỏ ty tử bị làm giả (như hình) sau khi ngâm thôi màu vàng như gỉ sắt, đáy cốc có lợn cợn như xi măng. (Ảnh: L.Anh) 

Theo bác sĩ Dũng, hiện nay không ít người sử dụng tùy tiện thuốc nam, thuốc đông y, lá cây, con vật có trong tự nhiên dẫn đến bị ngộ độc, suy thận, suy đa tạng…

Phần lớn người bệnh ngộ nhận những loại thuốc từ lá cây, thuốc từ động vật là “lành và mát”, nếu không chữa được bệnh cũng không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhưng suy nghĩ như vậy là sai lầm.

Theo thống kê của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ 2011-2016, trong số gần 2.800 trẻ em đến khám tại trung tâm nghi ngộ độc chì, có gần 900 em có chì máu cao hơn ngưỡng an toàn của VN (trên 10 mcg/dL), trong số này đã có 2 trẻ em tử vong.

Tháng 1-2017 qua xét nghiệm trên 100 trẻ đã dùng thuốc cam - loại thuốc trị tưa lưỡi, biếng ăn - ở Bắc Giang có 100% các cháu nhiễm chì, trong đó gần 1/2 số các cháu có chì máu vượt ngưỡng an toàn của VN.

Theo ông Phạm Duệ - nguyên giám đốc Trung tâm chống độc, nguồn gốc của chì ở các người bệnh nhiễm chì bao gồm cả người dùng thuốc cam, thuốc nam trôi nổi.

Tháng 3 vừa qua Trung tâm chống độc cũng điều trị cho một phụ nữ ở Hà Nội bị liệt tứ chi sau hai tháng sử dụng thuốc nam bán rong.

Hàm lượng chì trong máu của người bệnh và hàm lượng chì trong mẫu thuốc nam người bệnh dùng đều ở mức rất cao, trong đó chì trong mẫu thuốc nam lên tới 2,59%.

Phân biệt dược liệu

Nhiều loại thảo dược là sản phẩm được ưa chuộng nhưng cũng bị làm giả rất nhiều, trong đó có nhân sâm, linh chi, hà thủ ô…

Phần lớn sâm trên thị trường được nhập từ Trung Quốc, bị tách chiết gần hết hoạt chất. Bà Trần Thị Hồng Phương, phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, khuyến cáo nhân sâm vốn có vị ngọt, nếu sâm đã bị tách chiết hoạt chất, nhìn bên ngoài không có vẻ tươi, mỡ màng.

Trường hợp sâm đã bị tách chiết hoạt chất, được tẩm đường để làm giả vị ngọt, miếng sâm sẽ có vị ngọt, thậm chí ngọt như khoai lang nướng, bề ngoài miếng sâm bóng mướt.

Trên thị trường ngoài dược liệu nhiễm độc, còn tình trạng nhầm loài và sai loài. Ý dĩ, hoài sơn, hồng hoa, huyết đằng… là những loại dược liệu có hàng giả, hàng nhầm loài.

Theo bà Phương, huyết đằng thật có vân tròn, huyết đằng giả vân lại có hình rẻ quạt, hay hạt ý dĩ giả nhỏ hơn ý dĩ thật.

Hoài sơn dạng phiến thì dễ làm giả bằng củ mì, hay cam thảo gần đây cũng bị tách chiết gần hết hoạt chất trước khi ra thị trường.

Ông Bùi Thanh Tùng (Cục Quản lý y dược cổ truyền) cho hay nhiều loại dược liệu có hình thức giống nhau, nhưng dược liệu muốn đạt chất lượng thì phải chuẩn từ quy trình thu hái, chế biến, bảo quản…

“Như đương quy nếu trồng đúng quy trình thì đạt hàm lượng tinh dầu cao, nhưng nếu chế biến không chuẩn thì tinh dầu bay rất nhiều. Đặc thù dược liệu mỗi loại có yêu cầu khác nhau ở khâu chế biến, những loài dễ bị ánh sáng phân hủy hoạt chất thì không phơi ngoài nắng.

Nếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm có khi chưa phân biệt chính xác được thật - giả, nên bà con trước hết phải chọn sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín và không sử dụng tùy tiện thuốc nam, dược liệu, mà nên dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc”- ông Tùng cho hay.

Video: Dân Lạng Sơn đua nhau triệt hạ dược liệu quý bán cho Trung Quốc

Hàng giả được bảo quản bằng chất độc

Hiện thị trường tràn lan các loại thuốc giả mạo như hồng hoa, kim ngân, hoài sơn, sơn thù, nhân sâm, linh chi, tam thất, lộc nhung…

Dược liệu giả được bảo quản bằng thuốc độc, như lưu huỳnh, chì, sulphur kẽm, phosphur nhôm, những chất này thấm sâu vào thuốc, khi người bệnh sắc thuốc chúng sẽ khuếch tán ra theo thuốc và có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tiêu chảy, nôn mửa, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, suy tim, lâu dần có thể bị ung thư gan, vô sinh hoặc sẩy thai…

Trẻ em nhiễm độc sẽ chậm lớn, bại liệt, kém phát triển trí tuệ…

Nạn “thuốc như rác” khắp nơi là do hiện nay buôn bán thuốc nam hay thảo dược chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thuốc quá hạn dùng, kém chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường, hậu quả là người bệnh phải gánh chịu.

Người dân cần biết: “Thuốc là mặt hàng không bao giờ có loại 2. Chỉ có 1 loại và phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả điều trị thật cao”.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Tin mới