Các chuyên gia của Đại học Hong Kong, Trung Quốc mới đây đã công bố một kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 giúp đưa ra những bằng chứng xác thực về sự xuất hiện và khả năng lây nhiễm của các ca COVID-19-19 không triệu chứng.
Hình dạng virus SARS-CoV-2. (Đồ họa: ThailandMedical)
Trong 1 nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trên mô hình phổi nhiễm virus bên ngoài cơ thể, các chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã cho thấy, trong 48 tiếng tế bào nhiễm virus, SARS-CoV-2 có thể nhân bản tốt đa lên gấp 100 lần, trong khi virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) nhiều nhất chỉ có thể nhân bản lên hơn 10-20 lần. Như vậy, khả năng sản sinh của virus SARS-CoV-2 nhiều gấp hơn 3 lần so với SARS.
Đáng chú ý là, trong 48 giờ đầu tiên sau khi nhiễm virus, các mô không hề có các phản ứng viêm, trong khi virus vẫn tiếp tục sản sinh. Do sau khi nhiễm virus, đặc biệt là thời kỳ đầu mắc bệnh, các mô không có phản ứng miễn dịch, càng không xuất hiện các triệu chứng viêm, nên người bệnh sẽ không hề biết mình đã nhiễm bệnh. Đây là lý do giải thích tại sao có nhiều trường hợp COVID-19 không triệu chứng.
Trong khi đó, virus vẫn âm thầm nhân bản nhanh chóng trong cơ thể người bệnh và có thể lây sang người khác qua giọt bắn và tiếp xúc. Điều này cũng lý giải vì sao những người dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng vẫn có thể lây và dịch bệnh bùng phát rất nhanh trong cộng đồng.
Nghiên cứu trên được tiến hành trên các mô phổi chưa bị bệnh được lấy từ cơ thể của 6 bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện Queen Mary của Hong Kong. Do các mô này chỉ có thể tồn tại trong dung dịch nuôi cấy 48 tiếng, nên kết quả thí nghiệm chỉ có thể được ghi nhận trong khoảng thời gian này.
Với thí nghiệm trên, các nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong gọi SARS-CoV-2 là những "Ninja" thông thái và kết quả nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí khoa học quốc tế Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Clinical Infectious Diseases).