Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghịch sạc điện thoại, bé gái 3 tuổi bị giật tung người và cháy tay

Một bà mẹ ở Australia vừa lên Facebook cảnh báo cha mẹ hãy đề phòng kẻo con bị giật điện từ dây sạc điện thoại như cô con gái nhỏ của cô.

Vô tình sờ vào sạc điện thoại đang cắm điện, cô bé 3 tuổi bị giật tung người cùng một vết bỏng cơ đồng xu cháy bàn tay. Mẹ bé cho biết cô cắm sai đầu sạc của điện thoại. Khi con gái cô chộp được dây sạc và cố cắm dây vào ổ thì có tiếng nổ kèm khói đen bốc lên từ ổ cắm.

Chia sẻ của người mẹ nhận được hàng nghìn comment và chia sẻ.

 Bàn tay của bé gái bị điện giật.

Sau khi vào viện cấp cứu, người mẹ lại được phen hốt hoảng khi bác sĩ không tìm thấy vết thương mở nào trên người con gái. Cô lo lắng tim của bé bị ảnh hưởng bởi dòng điện. Bé được giữ lại bệnh viện để kiểm tra tim và rất may mắn hiện cô bé đã hồi phục.

Cú giật điện khiến cô bé 3 tuổi bị văng ra hơn 1m. “Sau đó, con gái tôi nín lặng vài giây rồi bắt đầu kêu khóc” – người mẹ nhớ lại.

“Mặc dù nhà tôi trang bị đầy đủ các vật dụng để bảo vệ bé như nắp ổ cắm điện, nút chặn cửa, nắp đậy than ở lò sưởi… con gái tôi vẫn bị bỏng từ những thứ mà tôi không nghĩ đến. Từ bây giờ, tôi sẽ thiết kế lại các ổ điện để con tôi không thể chạm tay vào”, bà mẹ ở Australia nói.

Từ sự việc trên, nhóm Hồi sức tim phổi trẻ em (CPR Kids) đưa ra lời khuyên trên Facebook: “Với những trường hợp bị bỏng điện, phải luôn nhớ đầu tiên là tắt cầu dao (công tắc an toàn) trước khi sờ vào nạn nhân. Làm vậy để bản thân người giúp đỡ không bị điện giật, giúp nạn nhân ra khỏi nơi không an toàn. Những vết thương do điện giật có thể gây hại cho tim và các bộ phận khác".

Các cách sơ cứu người bị điện giật:

- Kiểm tra phản ứng của nạn nhân bằng cách gọi, lay, cấu véo.

- Gọi cấp cứu nếu sau 2 phút hồi sức cấp cứu không có kết quả.

- Đặt nạn nhân nằm ngửa, nghiêng đầu ra sau và nâng cằm để mở đường thở.

- Kiểm tra nhịp thở không quá 10 giây. Hãy chắc chắn nạn nhân không thở hổn hển.

- Hô hấp nhân tạo cho nạn nhân. Có thể thổi vào miệng hoặc mũi nạn nhân, thổi 2 hơi vừa đủ để lồng ngực nhô lên, 2 hơi thở không kéo dài quá 2 giây.

- Nếu nạn nhân không thể thở lại với cách hô hấp nhân tạo thì hãy hồi sức tim phổi với quy trình 30 lần ép lên ngực (nhịp độ 2 lực ép 1 giây), tiếp theo hai lần thổi ngạt và tiếp tục nhịp 30-2. Tiếp tục làm như vậy cho tới khi bạn thấy nạn nhân có dấu hiệu của sự sống như thở lại.

Hồng Hạnh

Tin mới