Dựa trên diễn biến giá dầu trên thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày mai (21/8) xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước có thể được điều chỉnh tăng cao nhất đến 700 đồng/lít, dầu diesel tăng 100 đồng/lít/kg. Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng cao hơn.
TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) nhận định: "Giá bán lẻ xăng trong nước có thể được điều chỉnh tăng 700 đồng/lít, trong khi đó giá dầu cũng có thể được điều chỉnh tăng 100 đồng/lít/kg".
Giá xăng trong nước dự báo được điều chỉnh giảm nhẹ vào ngày mai (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu).
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những phiên giao dịch gần đây, giá dầu trên thế giới liên tiếp giảm. Do vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm theo.
“Hiện nay thị trường xăng dầu trong nước rất nhanh nhạy, giá dầu thế giới thay đổi là giá trong nước cũng được điều chỉnh theo. Đây là sự điều hành rất nhịp nhàng của các cơ quan chức năng và dần phản ánh xăng dầu đã từng bước theo thị trường. Có thể trong kỳ điều hành ngày mai, giá xăng được điều chỉnh tăng khoảng 600 đồng/lít, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 80 - 100 đồng/lít/kg”, bà Hường nói.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu ngày 20/8 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON95 ở mức 23.990 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); xăng E5 RON92 là 22.820 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); giá dầu diesel là 22.420 đồng/lít (tăng 1.810 đồng/lít); giá dầu hỏa là 21.880 đồng/lít (tăng 1.610 đồng/lít).
Ở một diễn biến khác, từ ngày 25/8 tới đây, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng sau gần 5 năm hoạt động.
Liên quan đến việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 7, đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định trong thời gian Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) dừng hoạt động nhà máy lọc hóa dầu để bảo dưỡng tổng thể nhà máy trong 55 ngày, tính từ ngày 25/8.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan về việc đảm bảo nguồn cung trong nước khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn dừng hoạt động.
Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu… trong mọi tình huống để hoạt động hết và vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường.
“Các doanh nghiệp đầu mối phải nghiêm túc thực hiện các quy định về dự trữ thương mại bắt buộc; phân phối lợi nhuận trong hệ thống và việc trích lập, quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu theo đúng quy định.
Cùng đó, khẩn trương và nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để tự hoàn thiện, bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành từ năm 2018, nhà máy có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đóng góp từ 35 - 40% thị phần xăng dầu tiêu dùng nội địa và đóng góp ngân sách tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Lo ngại về sự phục hồi kinh tế đang chững lại ở Trung Quốc và sự mạnh lên của đồng USD là những nhân tố chính đẩy giá dầu tuần này bất ngờ đứt mạnh tăng, trải nghiệm tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 8 tuần.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm tới 3 phiên và lấy lại được một phần những mất mát ở 2 phiên còn lại. Tuy nhiên, sự bứt tốc ở 2 phiên cuối cùng khá yếu, không đủ để bù đắp cho sự lao dốc trước đó. Vì vậy, giá dầu Brent và WTI đều đã giảm tới gần 3% trong cả tuần, ghi nhận cú lao dốc đầu tiên sau chuỗi leo dốc 7 tuần trước đó.
Giá dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới (Ảnh minh hoạ).
Theo Vandana Hari, nhà sáng lập Vanda Insights, thị trường dầu mỏ đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi dầu thô đã ở trong vùng quá mua trong một thời gian.
Những tưởng giá dầu sẽ tiếp tục giảm ở phiên thứ 4 của tuần nhưng giá dầu đã quay đầu tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi sự trượt khỏi mức cao nhất trong 2 tháng của đồng USD sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi tháng trước được công bố đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất nhiều hơn và dữ liệu trong tuần này cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết: “Nhu cầu đi lại vẫn mạnh mẽ mặc dù nhu cầu này thường giảm dần sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ vào ngày 4/7”.
Dấu hiệu sản lượng giảm của Mỹ tiếp tục thúc đẩy giá dầu tăng tiếp khoảng 1% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Theo Reuters, dữ liệu ngành cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp. Sự sụt giảm trong sản xuất của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong những tháng còn lại của năm.
Đáng chú ý là, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã giúp giá dầu tăng trong 7 tuần liên tiếp kể từ tháng 6 với giá dầu Brent đã tăng khoảng 18% và WTI tăng 20%.
Theo nhiều chuyên gia, giá dầu vẫn sẽ dao động trong khoảng 75-90 USD/thùng trong những tháng tới và tuần sau, giá dầu vẫn giữ đà tăng ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần này.