Video: Video: Pha mạo hiểm của 9X Nga khiến người xem rợn người
Rooftopping
Nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp... là nơi không phải ai cũng được phép tới. Để có được video, ảnh check-in ở đó, tất nhiên, các "rooftopper" phải tìm cách qua mặt lực lượng bảo vệ, camera an ninh nếu không muốn bị "mời" về đồn cảnh sát làm việc.
Người tham gia được gọi là "rooftopper" sẽ trốn bảo vệ, cảnh sát trèo lên những nơi có độ cao chóng mặt như nóc cao ốc, đỉnh tháp, ống khói... để quay phim, chụp ảnh trong tư thế mạo hiểm rồi đăng lên mạng xã hội. Họ không sử dụng đồ bảo hộ để tăng thêm phần mạo hiểm.
Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay "combo" điện thoại và gậy selfie.
Trào lưu này đã khiến Ngô Vịnh Ninh, chàng trai được ví như "Spider man" của Trung Quốc bị ngã chết từ tầng 62 tòa nhà ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vào tháng 12 năm ngoái.
Trào lưu này đã nhanh chóng du nhập vào Việt Nam. Mới đây, video hơn 16 phút ghi lại hành trình nhóm 3 nam thanh niên leo lên nóc tòa nhà 38 tầng được cho là Central 1 (cao 158 m, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt.
Thử thách Cá voi xanh
Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh) là một trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây vài năm trên thế giới, trò chơi này bắt nguồn từ nước Nga.
Trong vòng 50 ngày, người chơi phải thực hiện các thử thách từ bình thường đến nguy hiểm: vẽ cá voi xanh, xem phim kinh dị, sử dụng vật sắc nhọn để tạo hình cá voi xanh trên da.
Trò chơi sẽ kết thúc khi người chơi "dũng cảm" tự kết liễu cuộc đời mình và được cộng đồng mạng công nhận là "người chiến thắng".
Tại nước Nga, hàng trăm thanh thiếu niên đã tự tử khi tham gia trào lưu này. Sau đó, trò chơi lan ra nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
Một học sinh Việt Nam hướng dẫn cách chơi Thử thách cá voi xanh. (Ảnh chụp màn hình)
Gần đây, có thông tin một số học sinh tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chơi trò chơi này tuy nhiên ngành giáo dục huyện Cái Bè và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã bác bỏ thông tin trên.
Trào lưu cá voi xanh tràn ngập trên mạng xã hội Facebook, Instagram và YouTube. Rất nhiều người Việt, trong đó có cả các em học sinh tiểu học đăng tải cách chơi làm nhiều người lo lắng và sợ hãi.
Video: Thực hư tin đồn học sinh Tiền Giang thử thách Cá voi xanh
"Kiss Cam" - hôn người lạ giữa phố
Kiss Cam là trào lưu phổ biến của giới trẻ trên thế giới được lấy cảm hứng từ clip First Kiss ra đời năm 2014 của đạo diễn Tatia Plleva.
Kiss Cam khiến nhiều người phản ứng dữ dội.
Ở phương Tây, việc hôn một ai đó giữa đường là chuyện rất bình thường. Do suy nghĩ thoáng hơn về cách thể hiện tình cảm nên Kiss Cam nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi người. Tuy nhiên, khi sang đến Việt Nam, trào lưu này bị coi là phản cảm, bất lịch sự.
Tại Việt Nam, nhiều dân mạng nhận xét, Kiss Cam đang dần đi chệch hướng so với ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó.
Người "khơi mào" trào lưu này ở nước ta là hot girl H.A. Cô diện trang phục gợi cảm ra đường và tiến đến 10 chàng trai lạ để... "cưỡng hôn". Khi clip này được phát tán, H.A nhanh chóng bị cộng đồng mạng chỉ trích, khiến cô phải gỡ clip và gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân.
Kiss Cam nhanh chóng du nhập vào Việt Nam.
Clip Kiss Cam do nhóm làm phim Group Cast thực hiện cũng là một ví dụ về trào lưu này. Với địa điểm ghi hình là phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, cà phê bệt...các nhân vật chính lên kế hoạch, chọn hôn một người khác giới vô tình gặp được.
Theo chia sẻ của đạo diễn sản phẩm này, clip chỉ mang tính giải trí và mang lại tiếng cười cho người xem. Anh cũng không ngần ngại khẳng định, ngoài những cảnh "cưỡng hôn" thật, nhiều phân cảnh được lên theo kịch bản để tạo tình tiết hấp dẫn.
Mặc dù vậy, từ khi ra mắt, các clip Kiss Cam vẫn bị lên án. Phần lớn dân mạng cho biết, việc bất ngờ hôn người lạ mà không cần sự cho phép là hành động phản cảm, bất lịch sự.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng giới trẻ nên sớm ngưng trào lưu này vì nếu đi quá đà sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật chứ không chỉ là trò đùa vui.
Biến tướng mốt "chạm tay vào rốn"
"Chạm tay vào rốn" bắt nguồn từ mạng Weibo của Trung Quốc. Sau khi ra mắt, trào lưu thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, bao gồm cả những người nổi tiếng.
Đúng như tên gọi, đây là thử thách người chơi cần vòng tay ra sau lưng, rồi cố gắng chạm vào rốn. Nếu như hoàn thành, điều đó chứng tỏ bạn là người có thân hình chuẩn.
Tại Việt Nam, ban đầu trào lưu này được nhiều hot girl và người nổi tiếng tham gia. Sau đó, giới trẻ cũng hưởng ứng, chia sẻ thành quả lên trang cá nhân.
Tuy nhiên, một thời gian sau, không ít người có hành vi biến tướng mốt Chạm tay vào rốn. Họ có xu hướng "sáng tạo" thêm bằng cách đặt tay tại những nơi nhạy cảm trên cơ thể.
Những bức ảnh nhạy cảm này nhận phải nhiều ý kiến phản đối và chỉ trích vì cho rằng đây là hành động rất phản cảm.
"Đừng ngủ khi lũ bạn còn thức"
Trong một thời gian dài, giới trẻ Việt rộ mốt làm đám tang giả cho bạn cùng phòng lúc đang ngủ say. Họ lấy đũa, cốc làm bát hương, giấy vệ sinh, vải thành khăn tang... rồi quỳ lạy, khóc lóc chụp ảnh.
Trào lưu này được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhằm "câu like" trên mạng xã hội. Ban đầu khi nhìn vào những bức ảnh, không ít người nghĩ đây là đám tang thật.
Tuy nhiên, lúc biết được sự thực, dân mạng tỏ ra ngán ngẩm bởi không ngờ cái chết cũng bị lấy ra làm trò đùa.
Video: Vì sao cần cấm giới trẻ tham gia trào lưu Cá voi xanh?