“Bằng cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất, hiệp ước New START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới) sẽ góp phần hạn chế cạnh tranh chiến lược và tăng sự ổn định chiến lược", tuyên bố của Cơ quan chính sách đối ngoại của EU cho hay.
Cơ quan của EU cho rằng, việc Nga quyết định rút khỏi hiệp ước New START với Mỹ sẽ làm suy yếu khuôn khổ an ninh châu Âu, kêu gọi Moskva tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của hiệp ước bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thanh tra New START trên lãnh thổ Nga và tham gia vào cơ quan thực thi hiệp ước.
EU bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Nga khi đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ. (Ảnh: AP)
Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.
Trong thông điệp liên bang hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đính chỉ tham gia New START. Ông nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định này có thể được đảo ngược nếu Mỹ nỗ lực nối lại hoạt động đầy đủ của hiệp ước. Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục cam kết thực hiện các hạn chế đối với vũ khí tấn công chiến lược theo hiệp ước khi New START vẫn còn hiệu lực.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva sẽ tiếp tục trao đổi thông báo với Washington về các vụ phóng ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) và SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) trên cơ sở thỏa thuận tương ứng giữa Liên Xô và Mỹ năm 1988 .
Nga cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của Mỹ và các đồng minh "cả trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược và trong lĩnh vực an ninh quốc tế và ổn định chiến lược nói chung, đồng thời đưa ra đánh giá về khả năng gây nguy hại cho lợi ích của Nga".